Đảng ta luôn xác định: “đoàn kết” là giá trị cốt lõi, “đại đoàn kết toàn dân tộc” là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại cố tình xuyên tạc, bôi đen rằng: Ở Việt Nam “Làm gì có chính sách đại đoàn kết dân tộc” hay “Chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc và chính sách đại đoàn kết dân tộc hao tiền tốn của thực thi nhưng kết quả thì ngược lại”; “Một chính sách mang cái tên rất mỹ miều nhưng lại xuất phát từ ý đồ thực dụng và động cơ lợi dụng đối phương…”. Có thể thấy, những kẻ tung ra luận điệu này là vì động cơ chính trị đen tối, nhằm chống phá đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc, bóp méo hòng chia rẽ các tầng lớp nhân dân, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, ngăn cản sự phát triển của đất nước.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã khẳng định: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Người chỉ rõ: Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Quán triệt sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII đã xác định: Đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước và định cư ở nước ngoài, lấy mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhờ có đường lối sáng suốt của Đảng, sự hợp lực từ sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, chúng ta đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 long trời lở đất; đưa người dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp, dân tộc Việt Nam phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong kháng chiến chống Mỹ, tinh thần đại đoàn kết được nâng lên tầm cao mới, đông đảo các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua vừa chiến đấu vừa lao động sản xuất, với khát vọng cháy bỏng: Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Huy động cao độ sức mạnh chính trị, tinh thần của cả dân tộc: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Đất nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong tình hình mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định, việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc không chỉ gắn với thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà còn phải kết hợp với sức mạnh của thời đại, của hòa bình, hợp tác và phát triển, của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với xu thế của các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với phát huy ý chí toàn dân tộc cũng nằm trong mục tiêu, định hướng khát vọng phát triển đất nước, với mục tiêu cụ thể là đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là sự gắn kết của các cộng đồng dân cư, qua đó tăng cường phát huy sức mạnh cộng đồng, sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Để cụ thể hóa chủ trương trên, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, trong đó xác định: Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa những người theo các tôn giáo khác nhau, giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước; là đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hoà bình, tiến bộ trên thế giới. Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.
Có thể thấy, trải qua hơn 38 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được nhân lên gấp bội phần: Kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... ngày càng phát triển và đạt được những thành tựu to lớn. Việt Nam được xếp thứ 65/150 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới; chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Thực tiễn nêu trên là bằng chứng đanh thép bác bỏ hoàn toàn những tiếng nói lạc lõng của bọn phản động, cơ hội chính trị cố tình bóp méo, xuyên tạc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc ta.
(Chính Trực)