Trong nhiều năm qua, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước thường xuyên lợi dụng chiêu bài tôn giáo để xuyên tạc, kích động, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Chúng vu cáo, xuyên tạc rằng, Việt Nam không có tự do tôn giáo, thực thi các chính sách hạn chế, cản trở, đàn áp hoạt động tôn giáo… Vậy, thực tế có đúng như như những gì mà các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã rêu rao, xuyên tạc, vu cáo không?
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn đoàn công tác thăm, tặng hoa chúc mừng Hòa thượng Thích Tâm Thủy, Ủy viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quan điểm mang tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Thể chế quan điểm đó, ngày 14/6/1955, thay mặt Chính phủ, Người đã ký Sắc lệnh số 234/SL quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo của người dân và trách nhiệm, nghĩa vụ của chức sắc tôn giáo, tín đồ về hoạt động tôn giáo tại Việt Nam, trong đó “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các nhà tu hành được tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo như nhà thờ, chùa, thánh thất, trường giáo lý, v.v... Khi truyền bá tôn giáo, các nhà tu hành có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của người công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà…”. Quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước ta thể hiện trên nguyên tắc hiến định, được quy định trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến Hiến pháp sửa đổi năm 2013.
Tại Điều 10, Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng”. Đến Hiến pháp 1959, tại Điều 26 quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi rõ hơn: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Trong bản Hiến pháp 1980, tại Điều 68 bên cạnh quy định “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” còn có thêm nội dung: “Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Đến Hiến pháp 1992, việc thể chế hóa thành pháp luật về quyền tự do tôn giáo của công dân được thể hiện rộng rãi, toàn diện hơn nữa, được quy định tại Điều 70: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quyền này tại Điều 24: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”…
Với mục tiêu cao nhất là phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đáp ứng, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của mọi người, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 về tín ngưỡng, tôn giáo; đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016), trong đó tại Điều 3 đã quy định rất rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: “1. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân; 3. Nhà nước bảo hộ cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và tài sản hợp pháp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo”.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, kể từ ngày thành lập nước đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, cũng như luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động và phát triển. Đến nay, Nhà nước ta đã công nhận 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo khác nhau, với khoảng 27 triệu tín đồ, trên 53 nghìn chức sắc, khoảng 135 nghìn chức việc; trên 29 nghìn cơ sở thờ tự… Hằng năm, có trên 8.000 lễ hội về tín ngưỡng, tôn giáo, với hàng vạn tín đồ tham gia… Đó là bằng chứng sinh động trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là nguyên tắc nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam, vì cuộc sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất Nhà nước dân chủ, pháp quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ban hành các chính sách, pháp luật để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động, thì Việt Nam cũng có những quy định về mặt luật pháp để hạn chế những hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tác động tiêu cực đến đời sống chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Điều 14 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”; tại Điều 15 của Hiến pháp 2013 quy định: “1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”; Điều 9 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016) cũng quy định rất rõ: “1. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; 2. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm hướng dẫn tín đồ, người tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo thực hiện hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật”.
Đồng chí Cao Thị Hòa An thăm các cơ sở, chức sắc tôn giáo nhân mùa Giáng sinh 2024
Không chỉ ở Việt Nam mà pháp luật quốc tế cũng như các quốc gia đều có những nội dung thể hiện việc thực hiện các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, quyền con người nói chung phải nằm trong những giới hạn nhất định. Theo đó, trong trường hợp các loại hình tổ chức tôn giáo có hoạt động làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, vi phạm đạo đức,… đều không cho phép hoạt động. Chẳng hạn, Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền 1948 quy định: “1. Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, là nơi duy nhất mà ở đó nhân cách của bản thân họ có thể phát triển tự do và đầy đủ. 2. Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. 3. Trong mọi trường hợp, việc thực hiện các quyền tự do này cũng không được trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc.”
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cũng luôn phải tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý của nhà nước. Ví dụ như Điều 26, Luật ngày 9/12/1905 của nước Cộng hòa Pháp có quy định: “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng giữ gìn trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành lễ nghi tôn giáo”; Điều 35 của Luật này cũng nêu rõ: “Giáo sĩ nào công khai bằng lời nói hoặc bằng văn bản kêu gọi, khước từ việc thi hành pháp luật của nhà nước sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm”. Ở Cộng hòa Liên bang Đức, các chức sắc tôn giáo khi nhậm chức đều phải tuyên thệ: “Tôi xin thề và hứa sẽ tôn trọng chính phủ hợp hiến. Chiểu theo nghĩa vụ phải quan tâm tới lợi ích của Nhà nước Đức, trong khi thực hiện những trách nhiệm thánh vụ, tôi phải bảo vệ lợi ích của Nhà nước trước bất kỳ một sự gì khả dĩ tác hại tới lợi ích đó”…
Như vậy, cũng giống như luật pháp các quốc gia khác, các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là phù hợp với quy luật, thông lệ quốc tế. Do vậy, việc thực hiện các quyền này đều phải trong khuôn khổ pháp luật, nếu không tuân thủ thì sẽ bị hạn chế và xử lý là điều hiển nhiên. Chỉ có những đối tượng đi ngược lại với lợi ích của quốc gia dân tộc mình, hoặc chỉ có những kẻ “soi mói” vào công việc của quốc gia khác mới vu cáo, xuyên tạc, bôi đen việc cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý những hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối mà thôi.
(NQ)