Thời gian gần đây, trên nhiều trang mạng của các tổ chức phản động nước ngoài đã tán phát bài viết: “Ở Việt Nam có quyền con người không?” với nội dung cho rằng, “dưới sự cai trị của độc tài cộng sản người dân Việt Nam mất hết quyền con người”. Đây là chiêu trò “rượu cũ, bình mới” của các thế lực thù địch với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nhằm xuyên tạc, bôi đen việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về nhân quyền tỉnh Phú Yên phát biểu khai mạc và chỉ đạo tại Hội nghị tập huấn công tác bảo vệ, đấu tranh và tuyên truyền về nhân quyền năm 2024.
Quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định, quyền con người, quyền công dân là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…. Bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa là thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, thực hành dân chủ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và bảo đảm quyền lực của Nhân dân. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm, thực thi theo Hiến pháp và pháp luật.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân”. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” đã thể hiện nhất quán quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao quyền làm chủ của Nhân dân trong Hiến pháp là bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền.
Hội nghị tập huấn công tác bảo vệ, đấu tranh và tuyên truyền về nhân quyền năm 2024.
Từ những thành tựu trong việc thực hiện quyền con người của nước ta, Liên Hợp quốc đã đánh giá cao Việt Nam về bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền của nhóm dân tộc thiểu số. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ hai trong khối châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 9/135 nước về tỷ lệ phụ nữ làm việc trong Chính phủ. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em. Đồng thời, trong 10 năm qua, Việt Nam có 2 lần vinh dự được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016 và nhệm kỳ 2023 - 2025). Đây là những minh chứng hùng hồn chứng minh cho việc tôn trọng quyền con người ở Việt Nam.
Như vậy, vấn đề quyền con người và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam là một trong những vấn đề trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta ghi nhân và bảo vệ quyền con người không chỉ trong Hiến pháp mà còn được quy định trong hệ thống pháp luật, trong các chính sách an sinh xã hội. Có thể thấy, sự ổn định chính trị - xã hội ở Việt Nam trong những năm qua là bằng chứng hùng hồn, chứng minh cho việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; đây cũng chính là tiền đề thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước đang được Nhân dân thừa nhận và ủng hộ.
(HTH)