Trong những năm qua, cùng với những thành tựu to lớn đạt được trên tất cả các lĩnh vực, Ngành giáo dục Việt Nam cũng tích cực đổi mới và đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, bất chấp những kết quả đạt được, các phần tử cơ hội chính trị, phản động, thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận thành tựu của nền giáo dục Việt Nam. Chúng xuyên tạc rằng: “nền giáo dục của Việt Nam là một nền giáo dục băng hoại không thể cứu vãn” và quy kết nguyên nhân là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nên nền giáo dục mới yếu kém.
Trưởng Ban Dận vận Tỉnh ủy Đinh Thị Thu Thanh và lãnh đạo Sở GĐ&ĐT Phú Yên trao bằng khen của Bộ GĐ&ĐT cho các học sinh đạt giải tại các kỳ thi cấp quốc gia.
Chúng ta ai cũng nhận thức được rằng, mặc dù giáo dục Việt Nam đúng là vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, nhưng không vì thế mà phủ nhận sạch trơn những cố gắng, nỗ lực và kết quả đạt được của cả một nền giáo dục. Tại Đại hội XIII, Đảng ta cũng đã thẳng thắn chỉ ra: “Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao... Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trên một số mặt vẫn còn bất cập về chất lượng, số lượng, cơ cấu và chính sách đãi ngộ. Quản lý nhà nước và quản lý - quản trị nhà trường còn nhiều hạn chế. Nguy cơ tái mù chữ có xu hướng tăng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến chất lượng giáo dục, không có chuyện “tô hồng” thành tựu để “mị dân” như những luận điệu sai trái mà các đối tượng xấu đưa ra.
Thực tiễn đã chứng minh rằng, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Ngành Giáo dục - Đào tạo đã thực hiện nhiều cuộc cải cách và đạt được những kết quả to lớn. Theo đó, chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến tích cực ở tất cả đối tượng học sinh và các cấp học, bậc học với tỷ lệ hơn 99% người trong độ tuổi đi học biết đọc, biết viết; xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học năm 2024 của Việt Nam tiếp tục có sự gia tăng ấn tượng. Theo công bố của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds - Anh) về xếp hạng đại học thế giới "QS World University Rankings: Sustainability 2025" cho 1.751 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới, Việt Nam có 10 cơ sở giáo dục đại học góp mặt, tăng 2 cơ sở so với năm trước. Đặc biệt ở lần xếp hạng này, Đại học Quốc gia Hà Nội có sự thăng tiến mạnh về vị trí khi được xếp hạng 325 thế giới (tăng 456 bậc so với vị trí xếp hạng trong top 781 - 790 tại kỳ xếp hạng 2024), xếp vị trí 51 của khu vực châu Á và số 1 Việt Nam; trong năm 2024, Việt Nam còn có 17 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng hàng đầu châu Á của QS, trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 200; 9 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của Tổ chức Times Higher Education (THE), trong đó có 4 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 1.000; 13 cơ sở giáo dục đại học trong Bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của THE.
Đáng chú ý, năm 2024, Giáo dục Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn tích cực tại các cuộc thi quốc tế. Theo đó, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về thành tích vượt trội khi tất cả đều đoạt giải, với 12 Huy chương Vàng, 15 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen; tăng 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc so với năm 2023. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi đều đạt thứ hạng cao, giữ vững vị trí tốp 10 của thế giới; nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số trong tốp cao nhất, đặc biệt điểm thi thực hành tăng so với các năm trước đó. Năm 2024, đoàn học sinh Việt Nam tham dự Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kỳ và cũng đã giành 1 giải Nhì - đây là giải cao nhất kể từ năm 2013 đến nay.
Qua số liệu trên cho thấy, thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế tiếp tục khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông; sự cố gắng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên và các nhà trường. Đồng thời, khẳng định hướng đi đúng trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đây cũng là những thành tích được cả thế giới ghi nhận, là kết quả từ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của thầy cô, gia đình cũng như của Ngành Giáo dục nước nhà.
Hiện nay, giáo dục Việt Nam hướng tới mục tiêu “nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”. Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ; quan tâm hơn nữa đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để tạo nền tảng thúc đẩy giáo dục. Những mục tiêu của giáo dục Việt Nam đều chứa đựng các yếu tố văn minh, nhân bản và tự do, ấy vậy mà các thế lực thù địch, phản động lại cố tình không thừa nhận điều này.
Em Trần Trung Kiên, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa) đạt giải 3 cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2024.
Để tiếp tục phát triển nền giáo dục Việt Nam đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mở rộng hội nhập quốc tế, một mặt chúng ta cần phải kiên định, phát triển các giá trị của nền giáo dục Việt Nam; tích cực khắc phục những hạn chế, yếu kém; tiếp thu, cập nhật các tri thức, giá trị tiến bộ về giáo dục của thế giới. Mặt khác, chúng ta phải nâng cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động lợi dụng một số yếu kém của giáo dục Việt Nam để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ; đồng thời tiếp tục ủng hộ, thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong đổi mới Ngành Giáo dục - Đào tạo trong thời gian tới.
(Xuân Nguyên)