Ngày 26/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 168/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025. Theo đó, Nghị định 168 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 sửa đổi, bổ sung cho Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Lực lượng chức năng tăng cường xử lý vi phạm trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông cho người dân.
Nghị định 168 ra đời với mục đích tăng cường tính giáo dục, răn đe của pháp luật để từ đó nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông, nhằm hướng tới mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và sự trật tự, bình an của xã hội.
Tuy nhiên, bất chấp mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Nghị định này, trên các trạng mạng của các tổ chức phản động ở trong và ngoài nước đã đồng lọt tán phát nhiều bài viết, thông tin xuyên tạc rằng: “Nghị định 168 về phạt vi phạm giao thông bị xem là “tận thu”, “tận diệt”, “khắc nghiệt”, “cực đoan”; “Nghị định thể hiện sự cai trị ngày càng khắc nghiệt dành cho người dân”; “Nghị định 168 được ban hành, thì rõ ràng đây là cái bẫy, nhằm vào người đi đường”… Bên cạnh đó, chúng còn cho rằng “nhiều người không ủng hộ Nghị định vì xem nó như là động thái tận thu, bóc lột bằng mọi giá, không nhân văn, gây bất mãn mà không bảo đảm sẽ giảm vi phạm hoặc tai nạn giao thông”…
Cần khẳng định rằng, những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, cố tình xuyên tạc, chống phá chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong năm 2024, cả nước xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có là do việc tùy tiện trong tham gia giao thông, bất chấp, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là quy tắc giao thông. Do vậy, việc tăng nặng mức phạt tiền là cần thiết với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ và kèm theo đó là các hình thức xử lý nghiêm khắc như: tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn, trừ điểm giấy phép lái xe… Đây cũng chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu bằng luật pháp. Từ đó, có cơ sở để giảm thiểu vi phạm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.
Nhìn vào các quốc gia phát triển, ai cũng có thể thấy, việc áp dụng mức phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm giao thông được thực hiện từ lâu, cần thiết và mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng một nền giao thông văn minh. Tại Mỹ, hành vi vượt đèn đỏ, lái xe khi say rượu, hoặc không tuân thủ tốc độ có thể bị phạt tiền hàng nghìn đô la, hoặc bị tước giấy phép lái xe trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ giám sát giao thông như camera tự động giúp phát hiện vi phạm nhanh chóng và chính xác. Cách làm đó khiến người dân ý thức hơn về hậu quả của các hành vi vi phạm giao thông của mình. Nước Mỹ cũng có những chính sách nghiêm ngặt để xử lý vi phạm giao thông, từ việc xử phạt cho đến việc áp dụng hình phạt bổ sung như cộng điểm vào hồ sơ lái xe… Pháp cũng là quốc gia có hệ thống xử phạt giao thông rất nghiêm ngặt. Các mức phạt cao được áp dụng cho các vi phạm như vượt tốc độ, không thắt dây an toàn, lái xe khi say rượu, và vượt đèn đỏ. Hệ thống xử phạt ở Pháp còn áp dụng hệ thống điểm, trong đó mỗi hành vi vi phạm giao thông sẽ làm mất một số điểm trong giấy phép lái xe. Nếu mất đủ số điểm quy định, giấy phép sẽ bị tước. Điều này khuyến khích người lái xe tự giác tuân thủ luật giao thông để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhờ vào các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, tình hình giao thông tại Pháp khá tốt với tỷ lệ tai nạn giao thông thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác…
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tuyên truyền về trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên.
Từ dẫn chứng trên cho thấy, Nghị định 168 của Chính phủ sẽ tạo ra những tác động nhất định đến ý thức và hành vi của người tham gia giao thông. Với những quy định nghiêm khắc của pháp luật sẽ giúp người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm hơn nữa các quy định của Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, để Nghị định 168 phát huy hết hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ hơn về các quy định của nghị định, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành luật giao thông. Sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế xử lý vi phạm, đảm bảo tính công bằng, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời có cơ chế, thường xuyên nghiên cứu, đánh giá tác động của Nghị định để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn...
Việc tuân thủ các quy định của pháp luật nói chung và thực hiện nghiêm túc Nghị định 168 nói riêng kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian đến. Đây cũng là những bằng chứng thực tiễn sinh động, có sức thuyết phục, đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động khi cho rằng “Nghị định 168 về phạt vi phạm giao thông bị xem là ‘tận thu’, ‘tận diệt’, ‘khắc nghiệt’, ‘cực đoan’…
(QM)