Bảo vệ nền tảng tư tưởng

Xuất khẩu lao động là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để người lao động Việt Nam có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, như Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; Nghị quyết số 225/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII.

Năm 2024 Phú Yên giải quyết việc làm mới cho hơn 27.000 lao động.

Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cũng như góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc của lao động nước ta.

Thế nhưng, với tâm địa đen tối, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại tìm mọi cách để xuyên tạc chủ trương, chính sách có ý nghĩa thiết thực này của Đảng và Nhà nước ta. Chúng cho rằng, “đây là chính sách sai lầm, thể hiện sự yếu kém trong công tác quản lý nhà nước và bố trí việc làm cho người dân trong nước”… Mục đích của chúng là nhằm tạo ra sự lo lắng, hoài nghi về các chính sách của Việt Nam đối với người lao động; làm giảm sự nhiệt huyết của người lao động có dự định ra nước ngoài làm việc, cũng như công dân Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài; phủ nhận mọi nỗ lực, kết quả của cơ quan chức năng Việt Nam trong công tác quản lý di cư, bảo hộ công dân...

Như chúng ta đều biết, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thiết lập được nhiều mối quan hệ kinh tế quốc tế. Một trong những nội dung quan trọng của việc hợp tác là thực hiện xuất khẩu lao động. Đây là vấn đề không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn là xu thế chung của các quốc gia đang phát triển. Chính vì thế, việc đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập, phân công lại lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nguồn thu ngoại tệ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tất nhiên, Việt Nam không chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá, mà phải bảo đảm hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động ra nước ngoài làm việc cũng như sau khi về nước có vị trí làm việc phù hợp. Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu Chính phủ, cơ quan chức năng và các địa phương cần phải có “cơ chế, chính sách, điều kiện tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia… có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trong nước”.

Bên cạnh đó, Nhà nước ta luôn tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để người lao động được tự do lựa chọn hình thức làm việc phù hợp, không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thi hành mọi biện pháp để công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó ký kết hoặc tham gia, hoặc theo tập quán quốc tế. Khi các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam bị xâm phạm, cơ quan đại diện có nghĩa vụ thi hành mọi biện pháp để khôi phục những quyền và lợi ích chính đáng đó. Trách nhiệm Nhà nước trong việc thực hiện mọi biện pháp cần thiết phù hợp với pháp luật sở tại, luật pháp và thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại hầu hết văn bản pháp luật quan trọng của Nhà nước ta như: Hiến pháp năm 2013 (Khoản 3, Điều 17), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (Điều 8 và Điều 9), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020...

Học viên học nghề điện tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên.

Như vậy, có thể khẳng định những chủ trương, chính sách mà Đảng, nhà nước ta đã ban hành trong thời gian qua về công tác xuất khẩu lao động đã góp phần mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc và mang lại nhiều giá trị thiết thực cho chính người lao động. Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho một bộ phận người lao động ở vùng khó khăn như nông thôn, miền núi và ven biển. Bên cạnh đó, các chính sách thiết thực này còn đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; đồng thời cũng là điều kiện để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của lao động nước ta.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gửi về khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Lao động làm việc tại Hàn Quốc có thu nhập cao nhất, từ 1.500 đến 2.000 USD; tiếp theo là Nhật Bản 1.200 đến 1.500 USD; Đài Loan từ 800 đến 1.200 USD. Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, dao động 600 đến 1.000 USD đối với lao động có tay nghề và 400 đến 600 USD với lao động phổ thông… Kết quả này là minh chứng sống động đập tan luận điệu xuyên tạc chính sách đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

(PBV)