Vừa qua, trên trang mạng Việt Nam Thời Báo đã tán phát bài viết “Tây Nguyên và Nam Trung Bộ: sáp nhập hay chia ra để đồng hóa” có với nội dung xuyên tạc rằng “Cộng sản Việt Nam đang âm mưu chia lại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ nhằm tách các sắc dân bằng chiêu bài sáp nhập các tỉnh”. Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái, thâm độc, cố tình lợi dụng việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính các cấp để gây chia rẽ vùng miền và làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk họp bàn phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh
Trước hết, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính các cấp là công việc cần thiết và được thực hiện dựa trên các tiêu chí khoa học, nhằm tối ưu hóa nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính là một phần trong chủ trương tinh gọn bộ máy Nhà nước, nhằm tạo ra bước chuyển tích cực trong quản lý, phát huy tiềm năng phát triển của địa phương. Đồng thời, việc này giúp giảm biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách cho đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Việc sắp xếp không phải thực hiện một cách tùy tiện hay chủ quan mà phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí và quy trình rõ ràng, cụ thể như: Đảm bảo diện tích và số dân của đơn vị hành chính mới phù hợp với chuẩn quy hoạch, tránh quá nhỏ gây khó khăn trong quản lý hoặc quá lớn dẫn đến kém hiệu quả; các địa phương được sáp nhập có mối liên kết về truyền thống, phong tục, tập quán và nguồn gốc dân tộc để củng cố khối đại đoàn kết, đồng thời bảo tồn bản sắc riêng của từng vùng; ưu tiên các vùng liền kề, có điều kiện tự nhiên tương đồng, mạng lưới giao thông đồng bộ và phân bố không gian kinh tế hợp lý, từ đó khai thác tốt thế mạnh vùng và thúc đẩy phát triển liên kết; trình độ quản lý, kinh nghiệm điều hành và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương tương đương, nhằm đảm bảo quá trình chuyển giao nhanh chóng, không làm gián đoạn dịch vụ công và chương trình cải cách hành chính; bảo đảm nguyên tắc xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đặc biệt tại các vùng biên giới, đảo, quần đảo và những địa bàn trọng yếu, để duy trì chủ quyền, trật tự an toàn xã hội và an ninh - quốc phòng.
Cụ thể, sắp xếp các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII như sau: tỉnh Đắk Lắk sẽ hợp nhất với Phú Yên; Lâm Đồng hợp nhất với Bình Thuận và Đắk Nông; Gia Lai hợp nhất với Bình Định, Kon Tum hợp nhất với Quảng Ngãi. Việc hợp nhất như trên sẽ tạo ra các tỉnh có diện tích và dân số lớn hơn, đồng thời mở rộng không gian phát triển ra biển, giúp các tỉnh miền núi có thêm lợi thế tiếp cận biển và các tỉnh ven biển có thêm vùng núi, từ đó phát huy thế mạnh đa dạng của từng địa phương. Việc sắp xếp này nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và khẳng định vị thế chiến lược của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong tổng thể phát triển đất nước, không hề mang ý đồ chia rẽ hay đồng hóa các dân tộc như những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.
Đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên xem sa bàn khu nhà ở xã hội Ecohome.
Tóm lại, việc sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mọi quyết định sáp nhập, hợp nhất đều dựa trên các tiêu chí rõ ràng và khoa học, không hề mang mục đích chia rẽ hay đồng hóa các sắc dân như những thông tin sai lệch do các thế lực xấu cố tình tung tin bịa đặt, lan truyền.
(QN)