Kinh tế

Hoàn thành cơ sơ dữ liệu dân cư để phát triển nền kinh tế số

Thời gian gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn, chuyển đổi số để phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới. Trong đó, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Những thành công bước đầu trong việc thực hiện đề án này (đề án 06) là tiền đề quan trọng để các địa phương hoàn thành CSDL về dân cư trên nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)

Nỗ lực xây dựng CSDL dân cư của Chính phủ

Ý kiến của nhiều chuyên gia CNTT cũng là xu hướng nhiều quốc gia đang làm, cần có sự quản lý tập trung tất cả các ứng dụng và dữ liệu quan trọng của người dân vào một TTDL của Chính phủ. Trước mắt, CSDL dân cư, hộ khẩu của Bộ Công An và CSDL hộ tịch của Bộ Tư pháp nên hợp thành một CSDL chung trong một TTDL và phân quyền truy cập và cập nhật cho từng Bộ. Như vậy, sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành và không tốn thời gian tích hợp, đồng bộ các trạng thái của người dân như hiện nay. Vấn đề an toàn thông tin, bảo mật cũng sẽ tốt hơn vì ít cửa hơn cho tin tặc (hacker) có thể tấn công.

Các địa phương đang quyết tâm cung cấp 100% căn cước công dân (CCCD) cho người dân. Trong quá trình xử lý thông tin tại các địa điểm làm CCCD, đã xảy ra một số lỗi ứng dụng, lỗi quy trình, lỗi kết nối Internet, mất điện và lỗi tích hợp dữ liệu từ các nguồn khác nhau. CSDL quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Nó cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước (QLNN), hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý các biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân và kết nối chia sẻ thông tin về dân cư với các CSDL chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc.

CSDL quốc gia về dân cư bao gồm CSDL dân cư hay hộ khẩu do Bộ Công an xây dựng, quản lý và CSDL hộ tịch do Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm. Cả 2 CSDL này tương đối gần nhau về mặt vật lý, Bộ Công an nắm 19 trường dữ liệu và Bộ Tư pháp nắm 35 trường dữ liệu, bao gồm thông tin 19 trường của Bộ Công an. Tất cả thông tin về người dân nằm ở cả hai bộ, theo các chuyên gia CNTT, nên cần phải tích hợp để có thông tin đầy đủ về người dân như kết hôn, qua đời, ly hôn, chuyển chỗ ở… CSDL hộ tịch được xây dựng từ năm 2015 với kinh phí rất thấp, CSDL dân cư triển khai từ năm 2022 và trong giai đoạn nước rút để hoàn thành. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Công an trong thời gian gần đây, chuyển từ cuốn hộ khẩu giấy sang CCCD và thiết lập CSDL dân cư với hang chục triệu CCCD đã hoàn tất.

Vai trò của mã số công dân và mã số CCCD

Khi Bộ Công an hoàn thành CSDL dân cư thì CSDL hộ tịch đã có nhiều thay đổi như người chết, tình trạng hôn nhân (kết hôn, ly hôn), thông tin về trẻ em đủ tuổi làm CCCD hay thay đổi chỗ ở… Vì vậy, yêu cầu cập nhật và tích hợp với CSDL hộ tịch rất cần thiết để dữ liệu đúng, sạch và toàn diện. Để tích hợp được cần những trường dữ liệu giống nhau như tên, họ, ngày sinh, nơi sinh… trong cả 2 CSDL.

Thực tế, khi dùng dữ liệu tìm kiếm sẽ khó do lỗi nhập dữ liệu hay người điền sai nên thông tin mỗi người dân cần có một mã số duy nhất (unique index) khi thông tin được tạo ra, để tìm kiếm nhanh khi muốn cập nhật. Theo nguyên tắc thiết kế CSDL, tất cả bảng CSDL (table) trong CSDL như bảo hiểm sức khỏe, thuế, dân cư, hộ tịch… đều có mã số duy nhất để tìm kiếm dữ liệu nhanh hơn và đảm bảo sự thống nhất (integrity) của CSDL đó. Cho nên mã số CCCD cũng không nằm ngoài mục đích cho CSDL dân cư và hiện đang dùng làm “mã số công dân” (MSCD) để kết nối với các CSDL khác của Chính phủ.

Tuy vậy, thách thức ở đây là những CSDL khác không có mã số CCCD và cần thêm vào các bảng CSDL như khóa ngoại cho đúng, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng sau tích hợp 2 CSDL với nhau, tự nhiên có con mà vợ không biết hay khác cha mẹ… do tìm kiếm dựa trên tên, họ hay ngày sinh… Cho nên việc giữ nguyên 2 CSDL như hiện nay và tích hợp dữ liệu với CSDL hộ tịch qua tệp dữ liệu hay API sẽ chậm và sẽ không khỏi thiếu sót trong thời gian dài. Chưa tính đến số thông tin của CSDL hộ tịch gần 100 triệu nhưng CSDL dân cư ở Việt Nam chỉ có hang chụ triệu.

ID của Hà Lan, mã số công dân trong vòng đỏ. Hình ảnh mang tính minh họa

Xây dựng một CSDL chung cho cả hai CSDL dân cư và CSDL hộ tịch

Để khỏi tốn nhiều thời gian phát triển, tránh lỗi tích hợp, giảm chi phí vận hành, bảo mật tốt hơn… Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng một CSDL chung cho cả hai CSDL dân cư và CSDL hộ tịch, phân quyền truy cập và cập nhật những trường dữ liệu cho phép theo quy trình sử dụng và an toàn thông tin nghiêm ngặt. Nhật ký tất cả truy nhập và thao tác của từng trường dữ liệu từ ai, lúc nào….Thiết kế lại MSCD không chứa thông tin cá nhân như nơi khai sinh, giới tính, năm sinh…, chỉ là mã số duy nhất khi trẻ em sinh ra cho đến chết và người nước ngoài đến sinh sống ở Việt Nam. Còn những người có trong CSDL dân cư, hộ tịch mới thì sẽ nhận một MSCD mới và từng bước đưa MSCD mới vào các CSDL của Chính phủ như bảo hiểm, y tế, thuế... Ở Hà Lan, quốc gia này  bắt buộc in MSCD trên ID card (căn cước), hộ chiếu, bằng lái xe… cùng với mã số thẻ từ năm 2014, cấm doanh nghiệp lưu MSCD và CSDL dân cư và hộ tịch là một và do Bộ Nội vụ quản lý.

Theo nhiều chuyên gia CNTT thì cũng không không cần thiết in MSCD lên thẻ vì lý do bảo mật thông tin cá nhân. Kiến trúc của CSDL mới nên theo kiến trúc data-driven, linh hoạt không cứng nhắc để có thể thay đổi dễ dàng như nay mai Quốc hội đề nghị thêm bớt trường dữ liệu mà vẫn không phải thay đổi mô hình dữ liệu, ứng dụng hay giao diện tích hợp. Lấy CSDL dân cư, hộ tịch mới làm cơ sở phát triển nền tảng dịnh danh số cho tất cả các dịch vụ công không cửa trong tương lai như chúng ta trả tiền điện thoại qua ứng dụng (app) hiện nay. Phát triển CSDL này như một dịch vụ để đảm bảo chi phí vận hành và cập nhật dữ liệu liên tục, chính xác và an toàn tuyệt đối.

Dữ liệu dân cư chính xác để phát triển nền kinh tế số

Chính phủ số (CPS), Kinh tế số (KTS), Xã hội số, Giáo dục số (GDS) và Y tế số là những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Tất cả những trụ cột này đều quan trọng và hộ trợ lẫn nhau, thiếu cái này thì cái kia không phát triển được. Ví dụ CPS không phát triển tốt thì người dân hay doanh nghiệp mất nhiều năng lượng hay thời gian để xin giấy phép hay dịch vụ… sẽ ảnh hưởng đến nền KTS, hay GDS không phát triển thì cha mẹ vẫn phải xếp hàng thâu đêm chờ nộp hồ sơ cho con vào trường mới và GDS không phát triển thì không có những kỹ năng số phục vụ cho CPS hay KTS. Khi CPS không biết người dân là ai thì làm sao có thể cấp giấy phép được hay nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) cần chuyển bưu kiện đến người đặt hàng nhưng địa chỉ sai phải gọi điện hỏi nhiều lần và nếu không gặp ai lại phải chuyển bưu kiện trở lại.

Hay nền tảng tài chính số - fintech, các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân, các nền tảng cho vay và cho vay trực tuyến, và các nền tảng đầu tư trực tuyến nhưng không biết khách hàng thật hay ảo thì cũng không dám cho vay. Những nền tảng TMĐT và tài chính số không phát triển được thì KTS sẽ không phát triển và kinh tế sẽ không cất cánh giúp dân tộc vươn mình như mong muốn. Cho nên phát triển bài toán định danh số người dân và doanh nghiệp dựa trên CSDL dân cư cần được ưu tiên và theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), năm 2018, định danh số (digital identity) là một trong những nền tảng kỹ thuật số mới, không thể thiếu được để phát triển DVC hay logicstic: Nền tảng nhận dạng kỹ thuật số, cho phép nhận dạng, xác minh và chứng thực của công dân, nền tảng của các dịch vụ chính phủ.

Tóm lại, CSDL dân cư và hộ tịch rất quan trọng, chi phối mọi hoạt động người dân nên cần thiết phải có kiến trúc sư trưởng, thiết kế, phát triển, tổ chức, quản lý dự án một cách nghiêm túc. Cần có chỉ đạo quyết liệt, chính xác từ Chính phủ theo kiến trúc và đặt lợi ích quốc gia, người dân, doanh nghiệp… lên trên hết, trước hết.

LVK