Kinh tế

Hội Nông dân tỉnh: Tổ chức góp ý hoàn thiện Dự án “Nâng cao giá trị và đa dạng sản phẩm muối Tuyết Diêm”

Ngày 22-23/4/2025, đoàn công tác Quỹ môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển của LHQ (GEF SGP - UNDP) tiến hành khảo sát thực địa hoạt động làng nghề làm muối để góp ý hoàn thiện dự án “Nâng cao giá trị và đa dạng sản phẩm muối Tuyết Diêm” do Hội Nông dân tỉnh làm chủ đề xuất tại xã Xuân Bình (TX Sông Cầu). 

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia, đại diện đoàn công tác Quỹ môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển của LHQ (GEF SGP - UNDP) phát biểu tại buổi làm việc với đại diện các sở, ban, ngành. Ảnh: Hoàng Văn

Tại buổi khảo sát, sau khi nghe đại diện UBND xã Xuân Bình giới thiệu sơ bộ về lịch sử làng muối Tuyết Diêm, chia sẻ những khó khăn trong quá trình sản xuất và định hướng phát triển làng nghề của địa phương, đoàn đã đi thực địa nắm tình hình hoạt động làm muối tại các ruộng muối, lò ủ muối truyền thống và tham quan khu trưng bày sản phẩm muối Tuyết Diêm; gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân làm nghề, khuyến khích họ tiếp tục bảo tồn và phát huy truyền thống làng nghề; nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng sản phẩm từ muối để nâng cao giá trị kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, đoàn đã thảo luận ý tưởng phát triển sản phẩm mới, ghi nhận các ý kiến từ phía lãnh đạo địa phương, HTX sản xuất muối Tuyết Diêm và cộng đồng làng nghề về mô hình dự án trong thời gian tới. Với mục tiêu của dự án là nhằm góp phần nâng cao sinh kế bền vững và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng diêm dân Tuyết Diêm thông qua việc ứng dụng công nghệ phù hợp, phát triển sản phẩm muối giá trị gia tăng, bảo tồn làng nghề truyền thống và gắn kết với du lịch cộng đồng.

Sau khi khảo sát thực tế, đoàn sẽ có buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Hiệp hội Du lịch tỉnh… để góp ý hoàn thiện đề xuất dự án GEF SGP theo hướng tích hợp sinh kế, công nghệ, văn hóa, du lịch cộng đồng; đồng thời đề xuất cơ chế phối hợp, hỗ trợ chuyên môn của các sở, ngành và các tổ chức liên quan trong quá trình triển khai dự án nếu được tài trợ. Trong đó Sở Nông nghiệp và Môi trường: góp ý lồng ghép mô hình vào phát triển làng nghề, sản phẩm OCOP, chương trình MTQG XDNTM giai đoạn mới; Bảo vệ hệ sinh thái ven biển, thích ứng biến đổi khí hậu; Sở Khoa học và Công nghệ: góp ý ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, truy xuất nguồn gốc, đổi mới sản phẩm; Sở Công thương: góp ý bao bì, thương hiệu, kết nối xúc tiến thương mại; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Góp ý về nội dung phục dựng Lễ tổ nghề muối, định hướng phát triển du lịch cộng đồng; Hội LHPN tỉnh: Tổ chức nhóm phụ nữ làm du lịch, phát triển sản phẩm muối...; Liên minh HTX: lồng ghép Quỹ hỗ trợ phát triển HTX vào dự án ; Hiệp hội Du lịch: Hỗ trợ liên kết với công ty lữ hành, khách sạn, homestay ven biển; HTX Du lịch Nông nghiệp xanh: Chia sẻ mô hình tổ chức tour cộng đồng: đón khách - hướng dẫn - dịch vụ - bán sản phẩm; Tư vấn cách vận hành mô hình du lịch nhỏ hiệu quả, phù hợp với người dân - CLB Nông dân sản xuất giỏi: Giới thiệu các thành viên tiềm năng liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm muối ẩm thực…

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia, đại diện đoàn công tác Quỹ môi trường toàn cầu thuộc Chương trình phát triển của LHQ (GEF SGP - UNDP) phát biểu tại buổi khải sát thực địa. 

Làng nghề sản xuất muối Tuyết Diêm, thuộc xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu là vùng sản xuất muối truyền thống đã hình thành từ rất lâu, diêm dân qua nhiều đời gắn bó với nghề. Theo các bậc cao niên kể lại, đồng muối Tuyết Diêm hình thành từ năm 1870. Thời Pháp thuộc, hạt muối ở đây đắt lắm. Quan Tây cho xây nhà kho lớn giữa cánh đồng muối rồi cắt cử chánh chủ thầu, phó chủ thầu, thầy cai, thầy đội, lính bồi luân phiên nhau thường trực xuyên suốt ngày đêm canh giữ từng hạt muối. Muối đắt đỏ tới mức diêm dân trong làng có câu: “Muối Cù Mông ba mươi đồng một hạt”. Lý giải thêm về “Muối Cù Mông”, một lão nông cho biết: “Gọi là muối Cù Mông vì làng này nằm dưới chân đèo Cù Mông, thời xưa tàu thuyền trong Nam ngoài Bắc đến đây mua muối đều nhắm hướng phía Nam chân đèo Cù Mông để lái mũi tàu vào Tuyết Diêm là đồng muối duy nhất ở Phú Yên, nổi tiếng trắng tinh, hạt chắc, vị mặn đậm đà nhưng không chát”. Vì Vậy để phát triển làng nghề muối Tuyết Diêm trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, có sự tham gia của cộng đồng việc góp ý hoàn thiện dự án “Nâng cao giá trị và đa dạng sản phẩm muối Tuyết Diêm” là việc làm rất cần thiết để Dự án sớm triển khai góp nâng cao giá trị hạt muối Tuyết Diêm, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ muối như muối làm gia vị chấm, các sản phẩm lưu niệm từ muối, dược liệu từ muối… giúp cho diêm dân làm giàu từ muối.

Hoàng Văn