Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Điều này cho thấy bản chất tốt đẹp của Đảng ta - một Đảng cách mạng chân chính “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó, Đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững sự trong sạch, vững mạnh. Muốn đạt được điều đó, công tác xây dựng Đảng không chỉ là trách nhiệm của tổ chức đảng và đảng viên mà còn là nhiệm vụ quan trọng của toàn thể Nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên thăm hỏi, động viên cụ Cao Thị Nở và thương binh Lê Thái Tiền ở Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội Phú Yên.
Nhân dân không chỉ là nền tảng, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát, đóng góp ý kiến để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Quan điểm “dân là gốc” luôn được Đảng ta quán triệt xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo đất nước, được thể hiện rõ trong các cương lĩnh, nghị quyết của Đảng. Cùng với quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình". Bên cạnh đó, các cơ chế như Quy chế dân chủ cơ sở, Quy chế công tác dân vận, các quy định về giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia xây dựng Đảng và chính quyền.
Trong thực tiễn, nhiều hình thức góp ý và giám sát của Nhân dân đối với Đảng đã được thực hiện như lấy ý kiến của Nhân dân đối với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng, sửa đổi Hiến pháp, xây dựng các dự thảo luật quan trọng. Nhiều địa phương cũng tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo với Nhân dân, lấy ý kiến nhận xét của người dân đối với cán bộ, đảng viên tại nơi cư trú, thực hiện các hình thức lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá đội ngũ lãnh đạo. Những biện pháp này không chỉ góp phần hoàn thiện chính sách mà còn nâng cao trách nhiệm giải trình của Đảng và chính quyền trước Nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác xây dựng Đảng. Một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý e ngại, né tránh việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên do lo ngại bị ảnh hưởng. Vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi trọng việc tiếp thu ý kiến Nhân dân, chưa chủ động đối thoại, giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn tồn tại dẫn đến sự suy giảm niềm tin của một bộ phận quần chúng Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia giám sát, phản biện một cách hiệu quả, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một giải pháp trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò của Nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên thấm nhuần quan điểm "dân là gốc", coi Nhân dân là chủ thể trong quá trình xây dựng Đảng; xây dựng văn hóa lắng nghe, tiếp thu ý kiến Nhân dân một cách cầu thị, không hình thức, đối phó; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế để Nhân dân tham gia giám sát, góp ý xây dựng Đảng. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, công khai thông tin về các chủ trương, chính sách để người dân dễ dàng tiếp cận và giám sát; sử dụng nhiều hình thức như hội nghị lấy ý kiến, đường dây nóng, hòm thư góp ý, cổng thông tin điện tử để Nhân dân phản ánh ý kiến, kiến nghị; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong đánh giá, nhận xét đối với cán bộ, đảng viên.
Thứ ba, tạo điều kiện để Nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên. Đưa ra các biện pháp cụ thể để Nhân dân giám sát việc thực hiện kỷ luật, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, ý kiến nhận xét của Nhân dân đối với cán bộ, đảng viên tại địa phương; tiếp tục xây dựng cơ chế bảo vệ người tố giác, đảm bảo an toàn và giữ bí mật thông tin cho người dân khi phản ánh sai phạm của cán bộ, đảng viên.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác đối thoại giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại định kỳ giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết bức xúc kịp thời. Tăng cường trách nhiệm giải trình của cán bộ, đảng viên trước Nhân dân, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Xử lý nghiêm những trường hợp né tránh, không tiếp thu ý kiến Nhân dân, gây mất niềm tin trong quần chúng Nhân dân.
Thứ năm, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái, tham nhũng, tiêu cực để giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Khuyến khích Nhân dân phản ánh tiêu cực thông qua các cơ chế phù hợp, đảm bảo người dân có thể tham gia giám sát mà không bị đe dọa hay trù dập. Tăng cường sự giám sát của báo chí và mạng xã hội để phát hiện kịp thời các sai phạm, tiêu cực trong bộ máy công quyền.
Thứ sáu, xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, trọng dân, vì dân. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên với tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tận tụy với dân. Thực hiện nghiêm quy trình đánh giá, đề bạt cán bộ trên cơ sở ý kiến của Nhân dân, tránh tình trạng bổ nhiệm thiếu minh bạch. Tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên.
Thứ bảy, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng dân chủ, gần dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ để Nhân dân dễ dàng tiếp cận thông tin và tham gia giám sát. Tăng cường thực hành dân chủ trong Đảng để mỗi cán bộ, đảng viên luôn đặt lợi ích Nhân dân lên hàng đầu. Xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ hơn để bảo vệ quyền lợi và sự tham gia của Nhân dân trong công tác xây dựng Đảng.
Đồng chí Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy thăm hỏi, nắm bắt tình hình nhân dân ở buôn Hố Hầm, xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa).
Tóm lại, phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố quyết định sự vững mạnh, trường tồn của Đảng. Khi Nhân dân thực sự làm chủ, tham gia tích cực vào giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, bộ máy chính trị sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
(QM)