Bảo vệ nền tảng tư tưởng

Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là nguyên tắc nền tảng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhà nước pháp quyền phải là nhà nước dân chủ, nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Người nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nhân dân, coi dân vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu phục vụ của toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước. Theo Người, để thực sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, Đảng và Nhà nước phải biết “nghe dân, hỏi dân, học dân”, kiên quyết chống bệnh thành tích, quan liêu và xa rời Nhân dân.

Lãnh đạo Đảng và chính quyền lắng nghe ý kiến của Nhân dân.

Quan điểm “dân là gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tục được cụ thể hóa trong các bản Hiến pháp qua các thời kỳ. Từ Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (sửa đổi 2001) cho đến Hiến pháp 2013, nguyên tắc dân chủ và quyền lực thuộc về Nhân dân luôn được khẳng định và phát triển sâu sắc hơn. Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.” Điều 27 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Điều đó khẳng định rõ ràng rằng Nhân dân là chủ thể nắm giữ quyền lực Nhà nước, còn bộ máy Nhà nước chỉ là công cụ do Nhân dân tổ chức, bầu ra và giám sát để thực hiện ý chí, nguyện vọng của mình.

Không chỉ dừng ở việc khẳng định quyền chính trị, Đảng và Nhà nước ta còn đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “nước độc lập, dân tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" luôn là kim chỉ nam trong mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Tinh thần này đã được cụ thể hóa trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và trong quá trình tổng kết việc thực hiện đường lối đổi mới đất nước.

Trên thực tế, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong gần 40 năm qua luôn hướng tới mục tiêu "nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân". Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh phương châm "dân thụ hưởng". Minh chứng rõ ràng nhất trong các đợt thiên tai, địch hoạ, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã nhanh chóng triển khai nhiều gói hỗ trợ an sinh xã hội, đặc biệt dành cho người nghèo, người thu nhập thấp, bảo trợ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 đã thu hút sự chung tay rộng khắp, huy động được gần 1.600 tỷ đồng tiền và hiện vật, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc và truyền thống đoàn kết, nghĩa tình của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Người dân Phú Yên tham gia góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi). 

Những thành tựu đạt được là minh chứng sống động cho phương châm: Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng, phát huy tối đa quyền làm chủ của Nhân dân, kiên định lấy dân làm gốc, chăm lo không ngừng cho cuộc sống của Nhân dân, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trước âm mưu, thủ đoạn chống phá chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh phản bác, bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ thành quả cách mạng, đặc biệt trên không gian mạng - nơi các thế lực thù địch đang gia tăng hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta hiện nay.

(QM)