Bảo vệ nền tảng tư tưởng

Phát huy sức mạnh Nhân dân trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn nhất quán với quan điểm “dân là gốc”, Nhân dân là chủ thể của mọi công việc xây dựng, phát triển đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc. Kế thừa tinh thần các kỳ đại hội đảng, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục xác định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, đường lối, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Phú Yên lần thứ IV năm 2024

Dân là gốc, mọi công việc hệ trọng của quốc gia, dân tộc dù khó khăn, phức tạp đến mấy, nếu có sự đồng thuận, tham gia tích cực của Nhân dân thì sẽ thành công và ngược lại, nếu thiếu điều đó sẽ thất bại. Bởi thế, các bậc tiền nhân đã đúc kết rằng: “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”. Thấu triệt tư tưởng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã luôn triệt để vận dụng, thực hiện vấn đề có tính quy luật ấy trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, đất nước ta đã giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hơn nữa, trải qua quá trình hoạt động lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những đóng góp to lớn đối với đất nước và xác lập mối quan hệ máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân ghi nhận, tin yêu và vinh danh bằng tên gọi rất đổi thân thuộc: Đảng ta - Đảng của Nhân dân. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về Nhân dân, và điều này đã được ghi trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì thế, trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị các cấp cần phải dựa vào Nhân dân, do Nhân nhân, vì Nhân dân, và chỉ có như vậy mới đạt được hiệu quả thiết thực.

Những năm qua, với quan điểm “dân là gốc” là chủ thể của công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định: “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”. Trên cơ sở đó, Đảng ta đã có những phương thức lãnh đạo sáng tạo để phát huy tối đa vai trò của Nhân dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đại hội XIII của Đảng ta đã đánh giá: Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh trong những năm qua tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo. Tuy nhiên, đất nước càng thành công, càng phát triển thì các thế lực thù địch, phản động càng quyết liệt chống phá chúng ta trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng. Vì vậy, việc dựa vào Nhân dân để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

Thực tiễn cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn, phức tạp đến đâu cũng phải luôn tuân thủ và thấm nhuần tư tưởng “dân là gốc”, dựa vào Nhân dân để bảo vệ Đảng, chế độ, bảo vệ thành tựu của công cuộc đổi mới. Chỉ có như vậy mới tạo được sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi thách thức, trở ngại để đi đến thành công. Nếu xa rời quan điểm có tính nguyên tắc “dựa vào Nhân dân” tất sẽ thất bại. Cổ nhân có câu: “Chúng chí thành thành”, có nghĩa là Nhân dân là bức thành trì vững chắc nhất, không kẻ thù nào có thể phá vỡ. Kế thừa và vận dụng kinh nghiệm của người xưa, Đảng và Nhà nước ta đã “xây dựng thế trận lòng dân” trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Thế trận lòng dân” là thế trận vững chắc nhất trong các loại hình thế trận. Điển hình như mới đây, chúng ta đập tan vụ bạo động vũ trang ở Đắk Lắk của bọn khủng bố là minh chứng về việc dựa vào Nhân dân. Nhờ có quần chúng nhân dân cung cấp thông tin, phối hợp hoạt động nên vụ việc được xử lý nhanh, gọn, hiệu quả, sớm đưa cuộc sống yên bình của người dân nơi đây trở lại bình thường. Nhưng đồng thời cũng để lại kinh nghiệm quý về “lỗ hổng” trong “xây dựng thế trận lòng dân”, thể hiện trong việc nắm, quản lý, kiểm soát tình hình địa bàn, đối tượng; đặc biệt, chưa thật gần dân, dựa vào Nhân dân. Bởi Nhân dân chính là “tai, mắt” của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Các tổ chức, lực lượng phản động dù có tinh vi, xảo quyệt đến đâu đi nữa cũng không thể lọt qua được mạng lưới “thiên la địa võng”, “tai, mắt” từ Nhân dân. Do đó, trong bối cảnh mới hiện nay, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch phải tiếp tục phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân, phải dựa vào dân là tất yếu khách quan và nhất định sẽ thắng lợi, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân để phát huy sức mạnh của Nhân dân, đó là vấn đề chiến lược, bảo đảm cho mọi thành công của cách mạng Việt Nam; chỉ có đoàn kết mới tập hợp được sức mạnh riêng rẽ từng người tạo nên sức mạnh to lớn đủ sức chiến đấu và chiến thắng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ hai, phải thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân. Có dân chủ mới làm cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân thấy rõ vai trò, vị thế, quyền lợi, trách nhiệm của mình và nhận diện được các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, từ đó tự giác, hăng hái tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò đặc biệt quan trọng của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng; thực hiện tốt các quy tắc ứng xử trong giao tiếp và phục vụ Nhân dân, Quy chế dân chủ ở cơ sở, các quy định về sự tham gia của Nhân dân trong quá trình xây dựng và thực hiện quy định pháp luật, cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thứ tư, cán bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, lực lượng nòng cốt trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo Nhân dân cùng tham gia “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nghiên cứu sâu về nền tảng tư tưởng của Đảng để có thể bảo vệ một cách phù hợp, đúng đắn.

Thứ năm, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; làm cho Nhân dân thụ hưởng tốt nhất các thành quả của công cuộc đổi mới, qua đó Nhân dân càng hiểu rõ, tin tưởng hơn vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khẳng định những thành tựu mà đất nước ta đạt được, nhất là trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó chú trọng nội dung, cách thức tổ chức phù hợp với tình hình, bối cảnh mới hoạt động tuyên truyền phải thực sự tác động đến mọi “ngõ ngách cuộc sống”, để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ luôn nhận thức rõ và đúng sự thật khách quan là: trong những năm qua, với tinh thần yêu nước, đoàn kết, nhất trí, quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Thứ bảy, cần thiết có các quy định cụ thể để huy động sự tham gia của Nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời để khuyến khích người dân tham gia và nhân rộng những cách làm hay để tạo nên phong trào sâu rộng, lâu dài. Làm tốt sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để có phương hướng, giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

(PB)