Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đường lối chiến lược, cội nguồn sức mạnh, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại vu cáo, xuyên tạc rằng: “Đảng Cộng sản đang phân biệt, đối xử, kỳ thị các giai tầng trong xã hội, không quan tâm để có chính sách phát triển các dân tộc thiểu số”. Thực chất, đây là chiêu trò cố tình xuyên tạc chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân dân tộc ở khu dân cư năm 2024 tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Tuy Hoà.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất, là sức mạnh vô địch, là then chốt của thành công. Đoàn kết càng rộng rãi, chặt chẽ thì việc gì khó đến mấy làm cũng xong, thắng lợi càng lớn, càng vẻ vang. Người đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công. Theo Người, đại đoàn kết phải dựa trên nguyên tắc tin dân, dựa vào dân. Vì, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Đoàn kết được Nhân dân sẽ tạo ra sức mạnh vô cùng to lớn. Đoàn kết là vấn đề sống còn, không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà.
Từ lúc thành lập nước đến nay, các bản Hiến pháp của ta đều có những quy định cụ thể phản ánh chính sách đại đoàn kết và đường lối dân tộc Việt Nam. Chẳng hạn Hiến phap 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước ta ghi rõ: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo. Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Trong các điều 1, 6, 7 quy định địa vị pháp lý và quyền bình đẳng của tất cả mọi người không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; mọi người đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá và bình đẳng trước pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng làm nền tảng cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đặc biệt, Điều 8 còn ghi nhận: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”.
Đến Hiến pháp năm 2013 – bản Hiến pháp thứ 5 của ta tiếp tục kế thừa và phát triển các quy định của các bản Hiến pháp trước đó, đã quy định một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc đường lối đại đoàn kết và chính sách dân tộc của nước ta. Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình; Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước.
Như vậy, chính sách đoàn kết và đường lối dân tộc đã được thể hiện một cách nhất quán trong toàn bộ các bản Hiến pháp, phản ánh bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị của nước Cộng hoà chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa từ ngàn đời của dân tộc ta, đã thực sự phát huy tác dụng, tập hợp và phát huy sức mạnh to lớn của cả dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, phục vụ thiết thực lợi ích của các dân tộc và toàn thể nhân dân.
Để củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận quan trọng về đại đoàn kết dân tộc, về công tác dân tộc, tôn giáo. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đại đoàn kết dân tộc, công tác dân vận và công tác mặt trận. Nhiều dự án về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Nhà nước được triển khai nhằm chăm lo tốt hơn đời sống cho Nhân dân. Quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội được thể chế hóa, đã từng bước được phát huy. Sự đổi mới hệ thống chính trị, việc tăng cường dân chủ hóa đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần quan trọng vào việc động viên Nhân dân và cán bộ hăng hái tham gia đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Đây là những nhân tố rất quan trọng, là động lực chủ yếu bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Quang cảnh Đại hội Đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ IV năm 2024.
Bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đòi hỏi không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Vì vậy, mỗi người bên cạnh việc nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch, trái với tư tưởng chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết dân tộc, tạo động lực to lớn để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
QUỐC SÁCH