Bảo vệ nền tảng tư tưởng

Cần phê phán thói quen phán xét cảm tính, phiến diện của RFA

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, chúng ta không khó để bắt gặp những bài viết mang nặng định kiến và thiếu khách quan, đặc biệt là từ một số cơ quan truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam như Đài Á Châu Tự Do (RFA). Gần đây, RFA đã đưa thông tin cho rằng, Bộ Công an Việt Nam “thoát hiểm thần kỳ” trước làn sóng cải tổ bộ máy Nhà nước, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì cách đánh giá đầy cảm tính, phiến diện, không có cơ sở thực tiễn của RFA.

Ảnh cắt ra từ trang facebook Đài Á Châu Tự Do (RFA)

Chúng ta đều biết rằng, ngành Công an được Trung ương và dư luận cả nước đánh giá là đơn vị đi đầu, đơn vị tiên phong và thực hiện quyết liệt, có hiệu quả việc tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó, ngành Công an đã giải thể 6 tổng cục và hơn 500 đơn vị cấp phòng; sáp nhập trên 1.000 đầu mối cấp đội; tổ chức hợp nhất lực lượng phòng cháy, chữa cháy trực thuộc Bộ về công an tỉnh, thành phố; giải thể Công an cấp huyện trên toàn quốc… Những con số này là bằng chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực tinh gọn, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu quản lý an ninh trật tự trong tình hình mới của lực lượng Công an.

Dẫn ra vài số liệu trên đây đã phủ định hoàn toàn luận điệu xuyên tạc của RFA khi cho rằng Bộ Công an “thoát hiểm thần kỳ” trước làn sóng cải tổ bộ máy Nhà nước. Cần biết rằng, đây không phải lần đầu RFA phát tán thông tin sai lệch về Việt Nam. Ngược lại, từ nhiều năm nay nhà đài này chưa bao giờ đề cập đến các thành tựu có ý nghĩa về kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam, hầu như không thể tìm thấy trên RFA thông tin, nhận định tích cực về Việt Nam; ngay cả sự kiện, vấn đề được nhân dân Việt Nam ủng hộ, được dư luận thế giới đánh giá cao thì cơ quan truyền thông này cũng tiếp cận từ góc độ tiêu cực và thiên kiến để bịa đặt, vu khống, tạo diễn đàn để một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam lu loa, xuyên tạc bản chất sự kiện, vấn đề.

Việc RFA không có thiện cảm với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam cũng dễ hiểu nếu như chúng ta biết về lịch sử ra đời và hoạt động của nhà đài này. RFA được thành lập trong thời gian Chiến tranh lạnh (1950), dưới sự quản lý của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), với mục tiêu chính là tuyên truyền đường lối của Mỹ bằng tiếng địa phương đến các quốc gia Mỹ xem là kẻ thù, tức các nước xã hội chủ nghĩa thời đó. Năm 1971, CIA chuyển quyền điều hành đài RFA sang cơ quan có tên là Board of  International Broadcasting (BIB) do tổng thống Mỹ bổ nhiệm và chỉ đạo. Đến năm 1994, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật truyền thông quốc tế, RFA chính thức trở thành một công ty tư nhân. Trên danh nghĩa là công ty tư nhân, nhưng ngân sách của RFA lại được Quốc hội Mỹ tài trợ dưới sự phân phối của Hội đồng quản trị truyền thông hay BBG (Broadcasting Board of Governors), cánh tay dài của CIA (Mỹ). Hiện nay, Đài RFA phát thanh 9 thứ tiếng qua làn sóng ngắn và internet đến các nước Trung Quốc, Tây Tạng, Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam và CHDCND Triều Tiên. Với lối làm truyền thông theo kiểu chiến tranh lạnh, không ngạc nhiên khi phần lớn các chương trình phát thanh của Đài RFA hoàn toàn tập trung vào mục tiêu gây bất ổn định cho Việt Nam. Những chiêu bài mà Đài RFA đặc biệt quan tâm khai thác tối đa là tự do, dân chủ, tôn giáo và các sự kiện có tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước.

Trở lại với trường hợp vu cáo, xuyên tạc kết quả tinh gọn bộ máy của ngành Côn an, RFA không chỉ bỏ qua bối cảnh, chính sách mà còn cố tình dẫn dắt độc giả theo hướng tiêu cực. Mục đích của những thông tin này là nhằm làm xói mòn niềm tin của công chúng, kích động chia rẽ xã hội và làm tổn hại hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Có thể nói, đằng sau vỏ bọc “truyền thông độc lập” là những toan tính chính trị đen tối của RFA.

Chúng ta biết rằng, một tổ chức truyền thông chân chính cần tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản, đó là: Khách quan, kiểm chứng thông tin và tôn trọng sự thật. Nhưng đối với RFA lại cho thấy một cách làm truyền thông thiếu cẩn trọng, đậm tính suy diễn, không tôn trọng sự thật và vì động cơ chính trị không trong sáng. Nhà đài này không có cái nhìn đầy đủ về vai trò và cơ cấu tổ chức của lực lượng Công an Việt Nam nhưng vẫn cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá chủ quan và kết luận thiếu căn cứ về lực lực Công an.

Công an tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ công bố các quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ theo mô hình tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an.

Truyền thông nên đóng vai trò xây dựng, phản biện một cách có cơ sở, thay vì làm công cụ gây nhiễu thông tin. RFA nếu thật sự muốn góp phần vào sự phát triển dân chủ và minh bạch, hãy bắt đầu bằng việc hiểu đúng, nói đúng. Một thông điệp đơn giản nhưng hết sức quan trọng là “Hiểu thì hãy nói, chưa hiểu thì đừng vội kết luận”, chỉ khi đó, báo chí mới thực sự là nơi soi sáng sự thật, chứ không phải là công cụ để bóp méo và dẫn dắt dư luận theo những toan tính vì động cơ chính trị đen tối như RFA.

(XN)