Bảo vệ nền tảng tư tưởng

CẦN ĐẤU TRANH BÁC BỎ CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN

Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) ra đời đã đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế, nhất là là việc xác định khu vực kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng nhất” trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tuy nhiên, lợi dụng việc này, các thế lực thù địch, phản động đã tán phát nhiều thông tin sai trái, bóp méo, xuyên tạc bản chất con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc, khảo sát tại tỉnh Phú Yên về sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về nâng cao hiệu quả, quản lý, khai thác sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.

Chúng ta biết rằng, một trong những thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch là cố tình đánh đồng “kinh tế thị trường” với “kinh tế tư bản chủ nghĩa”, từ đó suy diễn rằng việc đề cao kinh tế tư nhân đồng nghĩa với “từ bỏ chủ nghĩa xã hội” hay “chuyển hướng sang chủ nghĩa tư bản”. Đây là sự đánh tráo khái niệm một cách thô thiển. Cần khẳng định: kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản, mà là thành tựu phát triển chung của nhân loại. Việt Nam xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là vận hành các quy luật thị trường trong khuôn khổ thể chế do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhằm bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội chứ không để thị trường chi phối, dẫn dắt mục tiêu phát triển.

Từ việc cố tình hiểu sai lệch, các đối tượng phản động tiếp tục công kích vai trò của Đảng và Nhà nước trong quản lý kinh tế, vu cáo rằng “chính quyền can thiệp thô bạo vào thị trường”, “bóp méo cạnh tranh để trục lợi”, thậm chí cho rằng đấu tranh chống tham nhũng đang “làm tê liệt nền kinh tế”... Những luận điệu này không những sai trái mà còn phản thực tế. Trái lại, thực tiễn gần 40 năm đổi mới đã chứng minh: việc kết hợp hài hòa vai trò Nhà nước và động lực thị trường chính là nền tảng để Việt Nam duy trì ổn định vĩ mô, tăng trưởng nhanh, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao vị thế quốc tế.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% thu ngân sách và sử dụng hơn 80% lực lượng lao động. Sự lớn mạnh không ngừng của khu vực này là minh chứng rõ ràng cho chủ trương đúng đắn của Đảng, đồng thời bác bỏ hoàn toàn luận điệu cho rằng Đảng “coi nhẹ” hoặc “bỏ rơi” khu vực kinh tế tư nhân. Việc khẳng định vai trò “động lực quan trọng nhất” của kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68 không phải là “mâu thuẫn” hay “lệch hướng”, mà là sự kế thừa, phát triển nhất quán theo tiến trình đổi mới tư duy kinh tế của Đảng ta từ Đại hội VI (1986) đến nay, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.

Các thế lực thù địch còn lợi dụng một số yếu kém trong quản lý, sai phạm kinh tế ở một số địa phương để quy kết đó là “lỗi hệ thống”, từ đó đề xuất thay đổi mô hình phát triển. Đây là chiêu bài cũ rích mang tính phủ định toàn diện, đi ngược với thực tế rằng những sai phạm đó đã và đang bị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh trong khuôn khổ pháp luật, là minh chứng cho sự quyết tâm làm trong sạch bộ máy, chấn chỉnh lại hoạt động quản lý, điều hành, chứ không phải là dấu hiệu của sự khủng hoảng thể chế.

Bên cạnh đó, chúng còn tổ chức các buổi “hội luận” trá hình trên mạng xã hội, núp dưới danh nghĩa “chuyên gia”, “tiến sĩ”,… để đưa ra những kết luận thiếu căn cứ như “Việt Nam đang tư nhân hóa toàn diện nền kinh tế” hay “đang chuẩn bị đổi màu sang tư bản chủ nghĩa”. Đây là những luận điệu mang tính suy diễn chủ quan, xuyên tạc bản chất của nền kinh tế Việt Nam, vốn đang phát triển theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời, phát huy tối đa mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, trong đó có tư nhân.

Phú Yên thông qua nghị quyết, đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8%

Có thế thấy, mục đích của các luận điệu sai trái này không có gì khác ngoài việc nhằm gây ra hoài nghi, chia rẽ trong nội bộ, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Nếu không cảnh giác và bản lĩnh, mỗi cá nhân rất dễ bị cuốn vào vòng xoáy của thông tin sai lệch, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, việc đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái về phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Đây không chỉ đơn thuần là bảo vệ một chủ trương, chính sách, mà là bảo vệ bản chất, mục tiêu, con đường phát triển đúng đắn mà Đảng, Nhân dân ta đã lựa chọn, đó là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(Quang Minh)