Bảo vệ nền tảng tư tưởng

AI và mối nguy từ ma trận tin giả - Bài 3: “Bình dân học vụ số” và những việc cần làm ngay (Tiếp theo và hết)

Háo hức, tò mò với cái mới là tâm lý chung không chỉ của người Việt. Sự xuất hiện của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong đời sống xã hội không là ngoại lệ. Tham gia Phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm phổ cập kiến thức, kỹ năng ứng dụng AI phục vụ cho chuyển đổi số trong hệ thống chính trị các cấp là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, AI không phải là “đũa thần”. Nếu tuyệt đối hóa, lệ thuộc vào nó, sử dụng sai mục đích dẫn đến mê sảng vì nó, cái giá phải trả là rất khó lường...

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động phong trào “Bình dân học vụ số”. Ảnh: VGP 

Không xem AI là “đũa thần”

Thạc sĩ Phan Văn Tú, Chủ nhiệm Bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã nhấn mạnh vấn đề này trong các chương trình đào tạo cho sinh viên báo chí và các lớp tập huấn truyền thông cho cán bộ, công chức. Là giảng viên giàu kinh nghiệm về chuyên ngành báo điện tử và truyền hình, Thạc sĩ Phan Văn Tú bày tỏ lo ngại khi không ít cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên đang có xu hướng “thần thánh hóa” công nghệ AI, coi AI là cây “đũa thần” làm thay công việc của con người trong hoạt động công vụ và lao động báo chí. Điều này sẽ rất nguy hiểm. Việc ứng dụng AI một cách tùy tiện, tự nhiên chủ nghĩa sẽ là lợi bất cập hại. Bên cạnh nguy cơ mất an toàn, an ninh về thông tin, hệ thống dữ liệu, dần dần người dùng AI sẽ bị chính công nghệ này đẩy vào thế “việt vị”. Đặc biệt trong nghề báo, AI là con dao hai lưỡi. Vụ việc 3 tờ báo lớn của Việt Nam vừa bị tấn công mạng là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với nghề báo và người làm báo trong môi trường số và ứng dụng AI. Theo Thạc sĩ Phan Văn Tú, người dùng chỉ nên coi AI là công cụ hỗ trợ thông minh và khai thác, tận dụng nó một cách thông minh, có chọn lọc. Nếu coi AI là “đũa thần”, là mục tiêu của nghề báo rồi lệ thuộc vào nó thì đó là con đường “tự sát” ngắn nhất và nhanh nhất của nghề báo trong môi trường số.

Trên phương diện đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, báo chí là mặt trận tiên phong và nhà báo là những chiến sĩ tiên phong. Trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”, Đảng ta xác định, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng vững chắc, rộng khắp; xác lập, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước...

Với phương châm lấy “xây” để “chống”, Phong trào “Bình dân học vụ số” chính là sự cụ thể hóa các giải pháp nhằm mục tiêu trước mắt là phổ cập kiến thức, kỹ năng ứng dụng AI cho cán  bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị; cán bộ, chiến sĩ trong LLVT. Việc này vừa góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ, vừa có cơ sở, nền tảng công nghệ để tham gia nhận diện, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái; hình thành thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Chính vì vậy, người dùng AI phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về AI để có phương thức khai thác, ứng dụng nó một cách thông minh, hiệu quả. Theo các chuyên gia an ninh mạng, dù phát triển đến trình độ nào, đẳng cấp nào thì con người vẫn phải điều khiển AI, không lạm dụng để AI điều khiển mình. Nhấn mạnh vấn đề này bởi, những chiêu thức do các thế lực thù địch thực hiện nhằm chống phá đất nước thường đánh mạnh vào yếu tố tâm lý nhằm thao túng tâm lý đối tượng để dẫn dắt, dụ dỗ, mê hoặc đối tượng nghe theo, tin theo, làm theo ý đồ, mưu đồ của chúng.

“Lấy độc trị độc” và những việc cần làm ngay

Đại tá, TS Trần Ngọc Anh, nguyên Chỉ huy trưởng Trung tâm 286, Bộ tư lệnh 86 cho rằng, trên phương diện nghiệp vụ chuyên môn, khi các thế lực thù địch tận dụng AI để chống phá đất nước thì chúng ta cũng “lấy độc trị độc”, sử dụng chính các phần mềm AI để nhận diện, bóc trần bộ mặt thật của chúng. Các sản phẩm của AI dù được thực hiện, ngụy trang tinh vi đến đâu cũng chỉ có thể đánh lừa thị giác, thính giác của con người bình thường. Các lực lượng chức năng hoàn toàn có thể ứng dụng các phần mềm, thuật toán AI để nhận diện nó một cách nhanh nhất, lật tẩy sự thật và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để khuyến cáo, cảnh báo công chúng.

Trong đại dịch Covid-19 năm 2021 và các ngày lễ, sự kiện trọng đại của đất nước thời gian qua, các lực lượng chức năng đã ứng dụng rất hiệu quả các phần mềm AI phát hiện nhanh, xử lý kịp thời hàng loạt tin giả, thông tin có nội dung xấu độc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, cảnh báo kịp thời, giúp công chúng nhận diện rõ sự thật. Bản chất của tin giả khi đã bị bóc trần thì nó nhanh chóng trở thành “rác” trên không gian mạng. Nhờ đó, chúng ta đã ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả hàng loạt tin giả có xu hướng thao túng tâm lý, gây rối loạn tình hình an ninh, trật tự do các thế lực thù địch thực hiện bằng công nghệ AI.

Theo đề xuất của một số chuyên gia an ninh mạng, trong quá trình triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số”, bên cạnh trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ AI vào giải quyết công việc theo chức trách công vụ, chúng ta cần tập huấn cho người dùng về kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ an toàn hệ thống dữ liệu, kỹ năng tận dụng AI tham gia tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin sai trái, xấu độc trên không gian mạng. Nhận thức rõ thời cơ và những nguy cơ, thách thức từ không gian mạng và xu thế phát triển AI, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành Luật An ninh mạng và các nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Đây là những căn cứ, định hướng lớn để các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình tập huấn. Cùng với đó, cần xác định Phong trào “Bình dân học vụ số” là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập, quán triệt, đưa Luật An ninh mạng và các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Trong xu hướng chuyển đổi số và xu thế toàn cầu hóa hiện nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin, xử lý tin giả; nâng cao hiệu lực, hiệu quả pháp lý phòng, chống các hành vi lợi dụng AI xâm phạm quyền, lợi ích công dân, xâm hại an ninh quốc gia. Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng (nay là Viện Chiến lược và Lịch sử Quốc phòng Việt Nam) đề xuất, Đảng, Nhà nước cần bổ sung chính sách đầu tư phát triển hạ tầng số gắn với chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về AI trong các cơ quan chức năng. AI là lĩnh vực rất mới mẻ ở Việt Nam. Chúng ta muốn đi tắt, đón đầu, thực hiện có hiệu quả chiến lược chuyển đổi số gắn với bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng thì phải có chính sách đột phá mạnh mẽ. Trong lúc chờ đợi sự bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả về AI và công nghệ số, cơ quan chức năng và hệ thống chính trị các cấp cần tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi lợi dụng AI tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Đảng, chống phá đất nước trên không gian mạng.

Thông qua “bộ lọc” của các lực lượng chuyên trách đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, cần thực hiện nhanh chóng và toàn diện việc cung cấp thông tin, giúp cộng đồng mạng nhận diện kịp thời tin giả, tin xấu độc để đấu tranh, loại bỏ chúng trong đời sống tinh thần. Việc ứng dụng các phần mềm AI vào công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cũng cần được coi trọng nhằm đổi mới hình thức, phương pháp tiếp cận công chúng. Những sản phẩm AI, những mô hình sáng tạo, ứng dụng công nghệ AI hữu ích của các tổ chức, cá nhân cần được thống kê, tổng hợp, đánh giá kịp thời để có hình thức tôn vinh, rút kinh nghiệm phổ biến, nhân rộng trong môi trường “Bình dân học vụ số”. Đó cũng là cách thiết thực thúc đẩy tinh thần lấy “xây” để “chống”, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” mang màu sắc AI của các thế lực thù địch.

LỮ NGÀN/QĐND