Sáng 17/4/2025, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh sưu tầm
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Về điều chỉnh mức lương cơ sở, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, ngày 30/6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng 30%), thực hiện từ ngày 1/7/2024. Áp dụng đối với người hưởng lương, phụ cấp và chế độ tiền thưởng áp dụng đối với người hưởng lương làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, ở xã, phường, thị trấn, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% Quỹ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15%, mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng 35,7% từ ngày 01/7/2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương và phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước; đồng thời, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội. Chủ động, tích cực triển khai các chủ trương của Đảng, Quốc hội và triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật chính sách tiền lương, lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo đúng quy định, tạo được sự đồng thuận cao, thiết thực góp phần nâng cao đời sống các đối tượng hưởng lương và chính sách trợ cấp, phụ cấp đối với các đối tượng liên quan; bảo đảm an sinh xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời, tích cực triển khai sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp; một số nhiệm vụ đang triển khai thực hiện như xử lý bất hợp lý về chế độ phụ cấp đối với một số ngành, nghề (sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành); về thực hiện hiện chế độ tiền thưởng; về hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính và giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 142 trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc thống nhất, triển khai thực hiện cải cách tiền lương đã góp phần cơ bản nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, đồng thời, nâng cao thu nhập, tạo được niềm tin, sự đồng thuận của các đối tượng hưởng lương hưu, góp phần ổn định xã hội. Trên cơ sở Nghị quyết số 142 của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành đã kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, làm cơ sở để triển khai thống nhất trong cả nước.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội thấy rằng, đến nay, theo yêu cầu của Nghị quyết chưa có kết quả rà soát hoặc đề xuất sửa đổi khung khổ pháp lý để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bãi bỏ các quy định có liên quan đến việc thực hiện tổng thể cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Báo cáo số 187 chưa làm rõ những phát sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo, bổ sung, cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu chi tiết về việc thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương trong khu vực công, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Đồng thời, tiếp tục rà soát, phân tích những khó khăn, bất cập, những điểm nghẽn trong thể chế, quy định pháp lý; từ đó có kiến nghị cụ thể để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bảo đảm khả thi và xác định rõ lộ trình hoàn thành trong quá trình tổ chức thực hiện….
Thùy Lâm