Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030 trên địa bàn huyện Tuy An đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Danh thắng Gành Đá Đĩa, địa điểm du lịch hấp dẫn với thiên nhiên kỳ vĩ. Ảnh sưu tầm
Huyện ủy Tuy An đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/HU, ngày 17/9/2021 về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện vào năm 2030; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nội dung Chương trình hành động số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 22-CTr/HU của Huyện ủy... Qua đó giúp cán bộ, đảng viên, Nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc đầu tư phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện vào năm 2030. Sau quán triệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch của cấp, ngành mình, đã cụ thể hóa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động của Tỉnh ủy, của Huyện ủy.
Tập trung lập quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch. Triển khai lập Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chí Thạnh và vùng phụ cận đến năm 2035, phủ kín quy hoạch toàn huyện, phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Đã lập quy hoạch, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để kêu gọi đầu tư hình thành các khu ẩm thực đặc sản Tuy An tại các khu vực đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, Hòn Yến, ven sông Tam Giang, Sông Vét...
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của huyện để tạo lợi thế cạnh tranh. Toàn huyện có 34 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó 02 sản phẩm hạng 4 sao và 32 sản phẩm hạng 3 sao.
Tăng cường công tác quản lý, khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Từ năm 2021 đến nay được UBND tỉnh công nhận thêm 09 di tích cấp tỉnh, nâng tổng số lên 34 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh). Hiện nay đang tiếp tục lập 06 hồ sơ di tích đề nghị UBND tỉnh công nhận.
Khai thác có hiệu quả các hoạt động du lịch đã được công nhận: Du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng tại Mộc Miên Rooky garden (An Mỹ), du lịch cộng đồng Hòn Yến (An Hòa Hải); du lịch làng nghề bánh tráng Hòa Đa (An Mỹ) và du lịch làng nghề chiếu cói (An Cư). Đồng thời từng bước tiếp tục phục hồi các làng nghề trở thành điểm đến của du khách trong thời gian đến như làng nghề thúng chai, làng nghề gốm Quảng Đức... trở thành điểm du lịch trên địa bàn huyện.
Thường xuyên tham gia hội chợ xúc tiến thương mại và triển lãm sản phẩm nông nghiệp do tỉnh tổ chức; giới thiệu và bán sản phẩm tại các khu vực đông dân cư, các siêu thị, khu vực du lịch Gành Đá Đĩa, Hòn Yến... Tiếp tục khai thác có hiệu quả nét đặc trưng của hệ thống đá bazan dạng cột tại di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, tìm hiểu không gian văn hóa đá đã phát triển du lịch tham quan. Nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống diễn ra vào tháng Giêng hàng năm như Lễ hội đua thuyền truyền thống Đầm Ô Loan, Hội đua ngựa Gò Thì Thùng, Lễ hội Chùa Từ Quang, Lễ hội Đền Lê Thành Phương. Một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, số cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch tăng lên đáng kể, đến nay có 21 cơ sở lưu trú. Nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, giải khát được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới; các điểm, khu du lịch với các món ăn đặc sản phục vụ khách du lịch ngày càng hấp dẫn.
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; tổ chức Hội thảo khoa học “Tuy An - Miền di sản”; tạo Fanpage và mã QR Code quảng bá các di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện; Trang Thông tin điện tử 15 xã, thị trấn; thành lập Fanpage “Tuy An - Điểm đến hấp dẫn và thân thiện”, tập sách “Địa chí Tuy An”; phóng sự Tuy An - Miền di sản. Phát động phong trào người dân ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch tại các địa phương có di tích, danh thắng và lễ hội; tuyên truyền vận động nhân dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại nơi công cộng, các điểm du lịch, di tích tại địa phương.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch được quan tâm thực hiện. Hằng năm tổ chức các hội nghị tập huấn cung cấp thông tin, nhân lực làm công tác thông tin cơ sở, các văn bản về công tác du lịch cho các đối tượng cấp huyện, xã và các cơ sở hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn huyện.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; chú trọng công tác quản lý tài nguyên du lịch, quản lý di tích, danh thắng; quản lý hoạt động kinh doanh du lịch; phối hợp quản lý hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch; phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng, hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch không đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Các nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị trên địa bàn huyện mang tính cầm chừng, chưa có nhà đầu tư tâm huyết đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cơ sở hạ tầng giao thông về du lịch còn hạn chế, đường giao thông đến các điểm di tích, danh thắng như Gành Đá Đĩa, Hòn Yến... có quy mô nhỏ, cấp đường thấp, đi lại khó khăn. Công tác quản lý đất đai chưa tốt dẫn đến xuất hiện nhiều điểm du lịch tự phát. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh thắng hiệu quả chưa cao, thiếu các dịch vụ tại các điểm đến; công tác xã hội hóa trong các hoạt động du lịch còn hạn chế. Kinh phí dành cho du lịch nói chung và dành cho quảng bá xúc tiến từ du lịch nói riêng chưa được đầu tư đúng mức. Nhiều dự án du lịch ven biển chậm triển khai làm ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển sản phẩm du lịch của huyện.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian đến Huyện ủy Tuy An triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về phát triển du lịch; nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch, nâng cao ý thức, trách nhiệm doanh nghiệp, cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững; phát động phong trào mỗi người dân huyện Tuy An là một hướng dẫn viên du lịch, ứng xử văn minh, tận tình hỗ trợ khách du lịch; chung tay giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại nơi công cộng, khu di tích, điểm du lịch...
Thứ hai, tập trung lập quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cảnh quan đô thị, phát triển không gian kinh tế, liên kết phát triển vùng, tập trung vào các tiêu chí đô thị loại IV, phấn đấu đến năm 2025 đạt thêm 01 tiêu chí đô thị loại IV. Mở rộng không gian đô thị về phía Đông, quy hoạch xây dựng khu Trung tâm cho 8 xã, thị trấn dự kiến lên phường. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị của huyện trên cơ sở xác định theo hướng mở rộng về phía Đông, trở thành đô thị du lịch - dịch vụ - thương mại, trong đó đầu tư hoàn thành các tuyến đường trục chính đô thị và các tuyến đường tại các xã dự kiến lên phường theo quy hoạch được duyệt để định hình không gian, tạo động lực phát triển theo mục tiêu đề ra.
Thứ ba, thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực về tài chính (ngân sách nhà nước và xã hội hóa), con người và các nguồn lực khác phục vụ phát triển du lịch; triển khai lập các quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỷ thuật du lịch. Tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công... Xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 để khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, hướng dẫn người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng và hưởng lợi từ du lịch.
Thứ tư, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm mang tính đặc trưng của huyện để tạo lợi thế cạnh tranh. Tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, lấy du lịch văn hóa làm nền tảng và du lịch biển đảo làm mũi nhọn; kết hợp hình thành và phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sạch, bền vững và chất lượng.
Tiếp tục lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia trên địa bàn huyện. Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Tuy An có chất lượng, đa dạng, đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên nền tảng các giá trị đặc trưng về tài nguyên du lịch tự nhiên với các loại hình cảnh quan sông, hồ, suối, đầm, đồng bằng, biển, đảo và tài nguyên du lịch nhân văn của huyện. Kêu gọi đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hóa tại các khu di tích, điểm du lịch gắn với hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian như: Bài chòi, hát tuồng; nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống đặc trưng. Đầu tư khai thác và quản lý hiệu quả các loại hình du lịch mới tạo sức hấp dẫn đối với du khách, định hướng Nhân dân phát triển du lịch đúng hướng, đảm bảo cân đối giữa cung và cầu, nhất là trong dịch vụ lưu trú. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, tuyên truyền vận động các chủ thể sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Hỗ trợ phát triển làng nghề dệt chiếu cói ở xã An Cư.
Thứ năm, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch. Đổi mới công tác quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả; phát huy công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, website, quảng bá trực quan, các ấn phẩm du lịch... Xây dựng ứng dụng du lịch trên thiết bị di động thông minh để cung cấp thông tin điểm đến du lịch Tuy An cho khách du lịch. Phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề về quảng bá du lịch trên địa bàn huyện; liên kết xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm đến tại các thị trường du lịch có tiềm năng. Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa du lịch, công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu.
Thứ sáu, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch. Phối hợp tổ chức điều tra, đánh giá nguồn nhân lực phục vụ du lịch của huyện để đề xuất kế hoạch đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch của huyện. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; hình thành đội ngũ hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, kỹ năng phòng chống dịch, bệnh để đảm bảo an toàn cho du khách. Tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ du lịch có chất lượng cao; cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành về du lịch. Sắp xếp, kiện toàn, bố trí hợp lý cán bộ, công chức làm công tác quản lý du lịch cấp huyện, quản lý tại các di tích, danh thắng.
Thứ bảy, Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch; kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động kinh doanh du lịch văn minh lịch sự, bảo đảm, an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn quản lý. Quản lý đồng bộ phát triển du lịch theo quy hoạch đã được duyệt, nhất là việc đầu tư kết cấu hạ tầng, đất đai, xây dựng đảm bảo hài hòa về kiến trúc, cảnh quan và môi trường gắn với bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học. Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường trong hoạt động du lịch; tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch, an toàn thực phẩm, niêm yết giá; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Võ Lum