Kinh tế

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực trạng gia công nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, những giải pháp và kiến nghị”

Theo Đề dẫn Hội thảo, cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,72%; khu vực thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm 41,63%; lĩnh vực khác chiếm 9,8% (cơ cấu tương ứng của năm 2019 là: 13,96%; 34,49%; 41,64%; 9,91%).

Nông nghiệp là ngành sản xuất đóng góp phần lớn vào kim ngạch xuất nhập khẩu trong những năm qua. Đặc biệt, trong năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 730 tỷ, xuất siêu 10 tỷ USD. Trong tổng số 370 tỷ USD xuất khẩu, có 260 tỷ USD là xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, chỉ có 110 tỷ USD là xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, trong đó có 53,2 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm tới hơn 50% tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước).

Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân, sinh hoạt tại 95.000 chi hội thuộc hơn 10.200 cơ sở Hội trong cả nước. Do vậy nghiên cứu về “Thực trạng gia công nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay, giải pháp và kiến nghị” là việc làm quan trọng và hết sức cần thiết, góp phần trực tiếp vào thực hiện mục tiêu xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam và ĐH XIII của Đảng.

Đồng chí Phan Xuân Hạnh, Tỉnh ủy viên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phát biểu tại Hội thảo, Ảnh Hoàng Văn

Số liệu thống kê cho thấy, trong tổng giá trị nhập khẩu toàn ngành nông nghiệp năm 2020 là 28,84 tỷ USD, thì nhập khẩu vật tư nông nghiệp tiêu tốn tới 17,4 tỷ USD, chiếm gàn 30%. Lượng thuốc BVTV nhập khẩu gia tăng mạnh lên tới 1.564 triệu USD, tăng 11,2% so với năm 2012... Việt Nam phải nhập gần như 100% thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc BVTV, trong đó khoảng 90% nhập từ Trung Quốc. Tình trạng thức ăn chăn nuôi còn đáng lo ngại hơn, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi năm 2020 đã tiêu tốn 4,08 tỷ USD, lớn hơn tiền ta thu về từ xuất khẩu gạo.

Gia công được hiểu chỉ là bán mồ hôi với giá rẻ, công đoạn gia công là công đoạn tạo ra “giá trị gia tăng” thấp nhất trong chuỗi giá trị, vì thế gia công trong tất cả các lĩnh vực nói chung, trong công nghiệp và nông nghiệp nói chung chỉ xuất hiện ở các nước kém phát triển hoặc giai đoạn đầu của phát triển. Cho nên, nhìn chung, gia công không phải là ưu điểm cần được khuyến khích.

Mặt khác, cũng cần thấy kinh tế gia công là xu hướng của kinh tế toàn cầu, của phân công lao động toàn cầu, nước này làm gia công cho nước kia. Khi hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, rất khó tìm ra một nước nào đó tự mình làm hết mọi công đoạn sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh. Do vậy công đoạn gia công được đặt ở đâu, quốc gia, vùng lãnh thổ nào, địa phương, đơn vị nào và thời điểm nào lại là vấn đề quan trọng cần được xem xét, tính toán.

Một cách tiếp cận khác, “gia công trong nông nghiệp” hay “nông nghiệp gia công” không bao hàm ý nghĩa là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong sự phân công lao động toàn cầu, mà thuật ngữ “gia công” ở đây được hiểu là nền nông nghiệp có các đặc trưng: Lao động thủ công là chính, năng suất lao động thấp và phụ thuộc vào thiên nhiên; Khai thác và bóc lột tài nguyên; Chất lượng sản phẩm không quy chuẩn, không lấy cầu thị trường làm mục tiêu và tiêu chuẩn sản xuất; Sản phẩm đưa ra thị trường có cấp độ thấp (chúng ta thường gọi là sản phẩm thô), không đạt phẩm cấp chất lượng; phần giá trị trong chuỗi giá trị sản phẩm thấp; Không được chế biến theo định hướng bảo toàn chất lượng nên gây lãng phí lớn về khả năng lưu giữ các phẩm chất quý giá của nông sản; Không có tiếng nói trên thị trường đến với tiêu dùng cuối cùng (người tiêu dùng không biết sản phẩm được xuất xứ từ đâu, quy trình sản xuất như thế nào…).

Tính chất của nền nông nghiệp gia công hạn chế ở mấy điểm: Lao động kém hiểu biết từ việc tạo ra sản phẩm cho đến ý thức khai thác tài nguyên, càng thương mại hóa càng làm xấu hình ảnh của đất nước; Bị các thế lực thị trường mạnh “quét hết” giá trị trung gian nên để duy trì sản xuất, người sản xuất chỉ còn biết tìm giá trị duy nhất là hủy diệt tài nguyên; Là nạn nhân muôn đời của “thương mại không công bằng” khi tham gia hội nhập quốc tế. Còn trên thị trường nền nông nghiệp gia công luôn được coi là người bán phá giá trên thị trường quốc tế vì phí tài nguyên gần như bằng 0; Chất lượng sản phẩm luôn bị hàng rào kỹ thuật phát hiện sai phạm; Sự thiếu tổ chức sản xuất trong nước (quy hoạch và tổ chức thị trường) nên luôn gây sự bất ổn thị trường để hình thành xu hướng dư thừa sản phẩm là chủ yếu.

Có thể khẳng định, nông dân là người chịu nhiều thiệt thòi, là một trong những lực lượng yếu thế hơn so với những lực lượng xã hội đông đảo khác (công nhân, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, cán bộ công chức, người lao động dịch vụ, thương mại,…). Đặc thù của ngành sản xuất nông nghiệp là ảnh hưởng trực tiếp từ điều kiện tự nhiên, Việt Nam lại là nước có nhiều vùng khí hậu khắc nghiệt. Vì vậy việc bảo vệ, hỗ trợ nông dân tránh khỏi những rủi ro và có tri thức, kỹ năng để tìm được sinh kế lâu dài trong quá trình sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn là việc làm cần thiết, cấp bách, thể hiện vai trò, chức năng của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam -Là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và tổ chức các hoạt động trợ giúp nông dân một cách thiết thực, hiệu quả.

Tại hội thảo, đại diện các sở, ngành, hội nông dân các cấp, các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ thực trạng liên quan đến nền nông nghiệp gia công ở tỉnh Phú Yên, ở nước ta hiện nay; phân tích một số điểm tích cực và không tích cực của gia công nông nghiệp dẫn đến ảnh hưởng chất lượng, giá trị sản phẩm; việc bảo vệ, hỗ trợ nông dân tránh khỏi những rủi ro; tạo sinh kế lâu dài trong quá trình sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời đề xuất một số giải pháp và kiến nghị đối với vấn đề gia công nông nghiệp...Trên cơ sở này, Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam ban hành các chủ trương, nghị quyết phù hợp trong quá trình xây dựng chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hoàng Văn