Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy

Tây Hòa: Thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, cải thiện đời sống nhân dân

Đảng ta khẳng định quan điểm, Chính sách xã hội là chính sách chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để Nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Đỗ Văn Cấp- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cùng các đồng chí lãnh đạo huyện thăm, tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng

Chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội có nội hàm rất rộng, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau trong nhiều lĩnh vực, như bảo hiểm xã hội, việc làm, thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, chính sách với người có công, trợ giúp xã hội... Nhiều văn kiện của Đảng và Hiến pháp đã đề cập chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội. Cụ thể như: Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” xác định “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội để bảo hiểm xã hội thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân”. Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã bổ sung, phát triển, làm rõ hơn nhận thức mới trong bối cảnh tình hình mới, yêu cầu, nhiệm vụ mới. Hội nghị đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24/11/2023 “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, trong đó tiếp tục khẳng định: Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người. Quan điểm này của Đảng đã mở rộng ra toàn bộ chính sách xã hội khác. Việc giải quyết các vấn đề xã hội từ Nhà nước đóng vai trò nòng cốt và chủ yếu chuyển sang Nhà nước đóng vai trò chủ đạo đi đôi phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp, thị trường, các tổ chức xã hội và ý chí tự lực, tự cường của người dân như lời phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội”. 

Quyền được bảo đảm an sinh xã hội được hiến định tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp. Luật Bảo hiểm xã hội là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội và có tác động trực tiếp tới mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cũng cần được đề cập, như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Người khuyết tật, Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giáo dục nghề nghiệp...

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn huyện và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thực hiện đầy đủ và kịp thời, đúng đối tượng những chủ trương, chính sách về lao động, việc làm; an toàn, vệ sinh lao động; đào tạo nghề gắn với việc làm. Từ năm 2019 - 2024 đã giải quyết việc làm cho 16.560 lao động (trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 246 người); đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 1.735 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 70% năm 2020 lên 81% năm 2025; cơ cấu lao động được điều chỉnh hợp lý, tỷ lệ lao động khu vực nông nghiệp còn dưới 40%; tỷ lệ lao động thất nghiệp xuống dưới 1,5%. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 12,4%; hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 71.376 lao động đang làm việc trong nền kinh tế.

Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện được quan tâm thực hiện tốt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, cụ thể: Người có công cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng, có 1.279 người. Ban vận động quỹ  “Đền ơn đáp nghĩa” huyện phát động trong toàn dân thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; trong 05 năm qua, vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa, tổng số tiền là 2,358 tỷ đồng. Đề nghị các cấp hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 135 nhà ở cho người có công với cách mạng. Nhân dịp lễ, tết, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tổ chức các chương trình, thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo…với tổng số tiền trên hàng tỷ đồng.

Công tác giảm nghèo được quan tâm thường xuyên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua rà soát cuối năm 2024, còn 2.109 hộ, với 4.989 khẩu (trong đó, hộ nghèo có 574 hộ, với 1.096 khẩu, tỷ lệ 1,64% và hộ cận nghèo 1.535 hộ, với 3.893 khẩu, tỷ lệ 4,38%); Ban vận động quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã tổ chức vận động toàn dân, các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ quỹ, đồng thời hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 141 nhà cho hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Đối với các đối tượng bảo trợ xã hội được cập nhật thường xuyên từ cơ sở, không bỏ sót đối tượng, kịp thời hỗ trợ chế độ hàng tháng đảm bảo quy định; đến nay trên địa bàn huyện có: 7.331 người được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.

Có thể thấy, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội là tiền đề cho phát triển con người của quốc gia để thực hiện quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước: Con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực phát triển. Do đó, trong mọi hoàn cảnh phải làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là thời điểm có nhiều tác động tới người nghèo, đối tượng yếu thế, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thu Hà