Để xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ), chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, những năm qua huyện Tây Hòa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc duy trì và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ luôn được quan tâm triển khai và thực hiện hiệu quả.
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
UBND huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tây Hòa phối hợp UBND xã, thị trấn quan tâm triển khai nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ). Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình phòng, chống BLGĐ như: Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững”, “Nhóm phòng, chống BLGĐ”, “Địa chỉ tin cậy”,... Qua đó, phổ biến kịp thời các kiến thức pháp luật đến với người dân, phòng ngừa các hành vi liên quan đến BLGĐ, hạn chế các vụ BLGĐ xảy ra, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Toàn huyện Tây Hòa hiện có 72 CLB “Gia đình phát triển bền vững” tại 72 thôn, khu phố; 27 “Nhóm phòng, chống BLGĐ”; 75 “Địa chỉ tin cậy”; 55 Đường dây nóng; 11 Tủ sách pháp luật. Mô hình CLB “Gia đình phát triển bền vững” tại các xã, thị trấn phát huy nhiều hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống BLGĐ. Từ đó, thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa được triển khai sâu rộng với 100% số thôn, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Qua đó, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy mạnh mẽ, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và phát huy.
Hàng năm, để các CLB “Gia đình phát triển bền vững” hoạt động tốt, UBND các xã, thị trấn quan tâm củng cố, kiện toàn Ban Chủ nhiệm CLB, trong đó chú ý lựa chọn những người có uy tín tại địa phương tham gia Ban Chủ nhiệm CLB. UBND xã, thị trấn tổ chức họp triển khai cho thành viên Ban Chủ nhiệm CLB “Gia đình phát triển bền vững” các nội dung, kế hoạch công tác phòng, chống BLGĐ của địa phương; quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ. Tạo điều kiện cho Ban Chủ nhiệm các CLB tham gia các lớp tập huấn do huyện, tỉnh tổ chức để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện còn tiếp nhận và cấp phát tài liệu với nội dung về phòng, chống BLGĐ, các hành vi BLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới cho Ban Chủ nhiệm các CLB “Gia đình phát triển bền vững” tại các thôn, khu phố góp phần phục vụ tốt công tác tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt CLB. Hàng năm, UBND huyện hỗ trợ kinh phí duy trì sinh hoạt 72 CLB gia đình phát triển bền vững và 27 nhóm phòng, chống BLGĐ với tổng số tiền gần 53 triệu đồng.
Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Mỹ Đông có 05 CLB gia đình phát triển bền vững, 05 nhóm phòng, chống BLGĐ ở 05 thôn của xã, 08 địa chỉ tin cậy, 06 địa chỉ tạm lánh để các nạn nhân bị bạo lực gia đình được hỗ trợ, tư vấn và tạm lánh nếu bị bạo lực gia đình. Bà Nguyễn Thị Kim Kha, công chức văn hóa - xã hội xã Hòa Mỹ Đông, cho biết: “Để hoạt động có hiệu quả, các CLB thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền biện pháp phòng, chống và lên án phê phán các hành vi BLGĐ đến từng người dân. Bên cạnh đó, thông qua các buổi sinh hoạt, mọi người chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế cũng như nuôi dạy con cái, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Do đó, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống BLGĐ ngày càng được nâng cao, không xảy ra tình trạng BLGĐ”. Ngoài ra, UBND xã còn thực hiện “Địa chỉ tin cậy” tại UBND xã và các thôn trên địa bàn thông qua hình thức thông tin đến thành viên các CLB, người dân nắm số điện thoại của Ban Chủ nhiệm CLB “Gia đình phát triển bền vững”. Khi phát hiện vụ việc liên quan đến BLGĐ tại địa phương, người dân sẽ gọi điện thông báo ngay để phối hợp cùng ngành chức năng địa phương đến can thiệp, hòa giải, tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo hành gia đình. Tại xã Hòa Mỹ Đông, công tác phòng, chống BLGĐ có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều năm không ghi nhận các vụ BLGĐ.
Để tiếp tục đưa công tác phòng, chống BLGĐ đi vào chiều sâu, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục hướng dẫn cơ sở duy trì sinh hoạt các CLB gia đình phát triển bền vững; nhân rộng mô hình nhóm phòng, chống BLGĐ trong các khu dân cư. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các mô hình như: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Gia đình văn hóa, gia đình thể thao”; “Gia đình hiếu học”; “Gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”,... để cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Nhìn chung, hoạt động của các mô hình phòng, chống BLGĐ trên địa bàn huyện mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần tuyên truyền, vận động người dân xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phòng ngừa BLGĐ. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn “Gia đình văn hóa” của huyện đạt 96,67%. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện không xảy ra BLGĐ. Tiếp tục nâng chất lượng hoạt động của các mô hình phòng, chống BLGĐ, trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn nâng chất lượng hoạt động các mô hình phòng, chống BLGĐ, trong đó chú trọng tạo điều kiện cho các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB “Gia đình phát triển bền vững” tham dự tập huấn nâng cao kỹ năng, xử lý tình huống BLGĐ. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các gia đình nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn huyện.
Huỳnh Thu