Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, một trong những nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta vừa qua đời. Đây là nỗi mất mát lớn lao không thể bù đắp.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương (thứ 6 từ trái sang) chụp hình lưu niệm với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo TX Tuy Hòa và gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Đàm. Ảnh chụp lại ảnh TL
Lúc sinh thời, là Chủ tịch nước, trước đó là Phó Thủ tướng Chính phủ..., dù bận trăm công nghìn việc nhưng bác Trần Đức Lương vẫn dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Phú Yên một tình cảm đặc biệt.
Kịp thời chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão thế kỷ
Tháng 11/1993, trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, bác Trần Đức Lương thay mặt Đảng và Nhà nước về thăm Phú Yên và chỉ đạo khắc phục hậu quả thảm khốc sau cơn bão cấp 13, giật trên cấp 16. Cơn bão thế kỷ này nối tiếp cơn lũ lụt lịch sử 47 ngày trước đó làm cho Phú Yên xơ xác tan hoang, nhiều bà con lâm vào thảm cảnh màn trời chiếu đất. Chứng kiến sông Đà Rằng nước lũ dâng cao cuồn cuộn trôi ra biển, vị lãnh đạo xuất thân từ quê hương Quảng Ngãi đất mẹ kiên cường, chạnh lòng nhắc câu thơ Tố Hữu trong bài “Nước non ngàn dặm”:
Sông Trà rồi lại sông Ba
Khu 5 dằng dặc lòng ta mọi miền
Tại rốn bão lũ Phú Yên, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương quyết định trích quỹ dự trữ quốc gia hỗ trợ bà con nông dân giống lúa, hoa màu khôi phục sản xuất, khắc phục tạm thời hệ thống giao thông phục vụ nhu cầu đi lại. Trên chiếc xe máy cũ, đồng chí Nguyễn Thành Quang (lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) chở Phó Thủ tướng Trần Đức Lương len lỏi qua những ổ gà, ổ trâu để lên đập đầu mối Đồng Cam bị bão lũ tàn phá một góc ở quai đập kênh chính Bắc. Trở về Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương báo cáo đầy đủ thực trạng thân đập Đồng Cam và Chính phủ đã hỗ trợ đầu tư sửa chữa kịp thời, bảo đảm mạch sống đồng bằng Tuy Hòa - vựa lúa miền Trung tiếp tục tồn tại sừng sững với thời gian. Sáu tháng sau, Tổng Bí thư Đỗ Mười về thăm và làm việc với Phú Yên đã trực tiếp về đập Đồng Cam để thăm công nhân và kiểm tra việc sửa chữa thân đập.
Trong chuyến về thăm Phú Yên tháng 11/1993, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương dành thời gian thăm nhiều mảnh đời cơ cực, chỉ đạo địa phương cứu tế kịp thời, giúp bà con có cái ăn cái mặc, gượng dậy sau bão lũ. Phó Thủ tướng Trần Đức Lương ân cần thăm hỏi và chia buồn về nỗi đau mất mát nhà báo Nguyễn Anh Tuấn (Báo Phú Yên) bị tai nạn trong đợt tham gia thông tin bão lụt.
Ngày 23/10/1998, trên cương vị Chủ tịch nước, bác Trần Đức Lương về thăm và làm việc tại Phú Yên. Chủ tịch nước Trần Đức Lương chỉ đạo nhiều nội dung để Phú Yên phát triển bền vững, tiến vào thế kỷ XXI, hình thành các khu công nghiệp, phát triển dịch vụ, du lịch, thay đổi tỉ lệ cơ cấu kinh tế công nông nghiệp đối với tỉnh nông thôn Phú Yên. |
Trước đó, tại Ngày hội Thể thao - Văn hóa các dân tộc Việt Nam do Bộ Văn hóa tổ chức tại công viên Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh), trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, bác Trần Đức Lương đã đến thăm khu trưng bày và bà con đồng bào dân tộc thiểu số của Phú Yên đang tham gia ngày hội. Bác Trần Đức Lương ân cần thăm hỏi, động viên và khen ngợi bà con Ê Đê, Ba Na, Chăm… của Phú Yên đã khắc phục mọi khó khăn để đến với ngày hội, góp phần giữ gìn bản sắc của dân tộc. Bác Trần Đức Lương giới thiệu quê bác ở Quảng Ngãi và nói: Trước Cách mạng Tháng Tám, ở Quảng Ngãi có khởi nghĩa Ba Tơ, còn ở Phú Yên có các chiến sĩ Cộng sản phá tung ngục Trà Kê. Trong kháng chiến chống Mỹ, Quảng Ngãi có cuộc đồng khởi ở huyện miền núi Trà Bồng - cuộc đồng khởi đầu tiên của Khu 5 và Phú Yên có đồng khởi Hòa Thịnh - cuộc khởi nghĩa đầu tiên ở đồng bằng Khu 5. Đồng thời nhắc nhở lãnh đạo tỉnh và bà con đồng bào dân tộc thiểu số phải giữ gìn truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nhiều năm trước đó, thời còn tỉnh chung Phú Khánh, bác Trần Đức Lương trên cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất đã về vùng đất Bắc Phú Khánh (Phú Yên), lặn lội xuống biển lên ngàn, nghiên cứu khoa học, xác định trữ lượng các mỏ ở Phú Yên, như ti tan (ven 189km bờ biển), than bùn (Hảo Sơn), mỏ sắt (Phong Hanh - Tuy An), vùng sa khoáng (Sông Hinh - Sơn Hòa), cao lanh (hạ lưu sông Cái - Tuy An), các suối nước nóng Phú Sen, Lạc Sanh, Trà Ô, Triêm Đức… Những địa điểm và thông tin trữ lượng được thể hiện trong công trình Bản đồ địa chất Việt Nam (tỉ lệ 1/500.000) được xuất bản năm 1988. Đây là công trình khoa học được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2005. Sự ra đời của Bản đồ địa chất Việt Nam tỉ lệ 1/500.000 là dấu mốc quan trọng, định hướng cho công tác nghiên cứu, điều tra địa chất, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, góp phần quy hoạch phát triển KT-XH của đất nước.
Chỉ hướng để Phú Yên phát triển bền vững
Ngày 23/10/1998, trên cương vị Chủ tịch nước, bác Trần Đức Lương về thăm và làm việc tại Phú Yên. Chủ tịch nước Trần Đức Lương chỉ đạo nhiều nội dung để Phú Yên phát triển bền vững, tiến vào thế kỷ XXI, hình thành các khu công nghiệp, phát triển dịch vụ, du lịch, thay đổi tỉ lệ cơ cấu kinh tế công nông nghiệp đối với tỉnh nông thôn Phú Yên. Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhấn mạnh: Dù là vựa lúa miền Trung, dù cây lúa có tầm quan trọng đến đâu cũng chỉ có giá trị bảo đảm an ninh lương thực chứ không thể đi lên làm giàu chỉ bằng cây lúa độc canh. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch nước Trần Đức Lương về xã Hòa Quang thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Đàm có công lao lớn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhì.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương căn dặn chính quyền phải gần dân, sát dân, thương dân, lo cho dân từ những việc nhỏ.
Sau khi nghỉ hưu, bác Trần Đức Lương vẫn tham gia công tác xã hội nhân đạo, làm Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Năm 2012, bác Trần Đức Lương về thăm Phú Yên, giúp đỡ nhiều bà con nghèo qua kênh Hội Chữ thập đỏ.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương dành tình cảm thẳm sâu với các vùng quê đất nước, đặc biệt là vùng đất Khu 5 và quê nhà Quảng Ngãi, nơi gắn kết tình cảm cách mạng Liên tỉnh ủy Ngãi - Bình - Phú thời Xứ ủy Trung kỳ trước Cách mạng Tháng Tám.