Trước bối cảnh nền kinh tế - xã hội toàn cầu có nhiều biến động; nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao nên việc đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là điều hết sức cần thiết. Do đó, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã bị tạm dừng từ năm 2016. Đây là phương án đáp ứng nhiệm vụ kép vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian đến.
Quốc hội sẽ quyết định việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng từ năm 2016 (Ảnh: sưu tầm)
Thực tế hiện nay, trong quá trình phát triển, Việt Nam đang đối mặt với nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng, dự kiến tổng công suất hệ thống điện sẽ cần bổ sung khoảng 70 GW vào năm 2030 và từ 400-500 GW vào năm 2050. Trong khi đó, các nguồn năng lượng truyền thống như than đá và thủy điện đã hạn chế về cả trữ lượng và có những tác động môi trường. Năng lượng tái tạo, dù phát triển mạnh mẽ, vẫn chưa đủ để đáp ứng một cách ổn định và lâu dài cho nền kinh tế đang phát triển nhanh. Vì vậy, điện hạt nhân chính đáp án cho bài toán nan giải này. Mặt khác, các chuyên gia đã chứng minh, điện hạt nhận là nguồn cung cấp điện nền ổn định và có chi phí sản xuất cạnh tranh. Hơn nữa, điện hạt nhận có tính ổn định cao, ít phát thải các-bon, thân thiện với môi trường, khả năng linh hoạt trong điều chỉnh công suất… Trên thế giới, phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo là xu thế của nhiều quốc gia hiện nay; phù hợp với các cam kết giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) mà Việt Nam đã ký kết.
Vì vậy, việc tái khởi động nghiên cứu sử dụng điện hạt nhân hiện nay là rất cần thiết, giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045. Chưa kể, phát triển điện hạt nhân giúp Việt Nam có cơ hội tranh thủ thu hút nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao qua các chương trình hợp tác và tạo cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp lĩnh vực này. Vấn đề này trước đây đã có chủ trương và triển khai bước đầu nhưng do một số khó khăn nhất định chưa thực hiện được. Hiện nay, nước ta đã đủ các điều kiện cần thiết cho phép tiếp tục triển khai thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới.
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trước đây. (Ảnh chụp lại)
Để tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng và hệ thống chính trị tỉnh, sự đồng thuận trong xã hội về phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy vừa ban hành Hướng dẫn số 151-HD/BTGTU đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, xây dựng kế hoạch tuyên truyền về chủ trương phát triển phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách của giai đoạn cách mạng mới; chỉ đạo, quán triệt cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm kỷ luật phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở. Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái khởi động Chương trình điện hạt nhân.
Các cơ quan báo chí của tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, chú trọng nâng cao hơn nữa trách nhiệm, ý thức chính trị của lãnh đạo, phóng viên khi truyền thông những thông tin quan trọng liên quan đến phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia; làm tốt vai trò định hướng thông tin, tuyên truyền, tạo động lực để thực hiện thắng lợi chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân; động viên các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động tích cực ủng hộ chủ trương của Đảng, Nhà nước; chủ động lan tỏa những thông tin tích cực và đấu tranh, phản bác các thông tin giả, xuyên tạc chủ trương trên của Đảng, Nhà nước ta; tổ chức nhiều hình thức diễn đàn để đội ngũ trí thức, nhà quản lý, nhà khoa học, Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào công cuộc phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia.
Quốc Bảo