Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn dân. Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách.
Một phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh
Để triển khai hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống lãng phí, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Công văn số 908-CV/TU ngày 10/01/2025 về tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương:
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nội dung bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; Kế hoạch số 204-KH/TU ngày 05/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị.
Thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Công tác phòng, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính thường xuyên của các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp và Nhân dân, gắn với đề cao trách nhiệm và nêu gương của người đứng đầu tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư; phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong kỷ nguyên mới.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí gắn với thực hiện nghiêm Quy định số 397-QĐ/TU, ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể các nhiệm vụ về thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hai là, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý, phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích. Triệt để cắt giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách để đáp ứng yêu cầu chi đầu tư phát triển.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Quản lý chặt chẽ tài sản công gắn với xây dựng văn hóa tiết kiệm trong hoạt động công vụ. Thường xuyên rà soát các tài sản công, trụ sở làm việc không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích để xử lý theo quy định, không để lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước.
Thường xuyên rà soát, nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thuộc thẩm quyền của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Nghiên cứu có giải pháp khắc phục các lãng phí trên tất cả các lĩnh vực nếu có, nhất là về đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản (đặc biệt là đối với đất đai), chế độ chi tiêu công...
Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ trong hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tối đa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường chuyển đổi số và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và trên các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, liên thông, giảm thiểu lãng phí.
Tăng cường và phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tạo thuận lợi cho công tác giám sát, phát hiện lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Ba là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các nội dung liên quan công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí.
Bốn là, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng, không để thất thoát, lãng phí. Thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công từ các dự án không giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn, đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn lực. Kiên quyết xử lý theo quy định đối với các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai thực hiện hoặc không triển khai, làm lãng phí tài nguyên, mất cơ hội thu hút nhà đầu tư có năng lực.
Năm là, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục phát huy vai trò cơ quan tham mưu về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tập trung tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội; đồng thời, tham mưu, chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là trọng tâm, đột phá, kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Phú Lâm