Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước phát huy hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Kinh tế tập thể có những đóng góp quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thu hoạch trái khóm của HTX NN KDTH Đồng Din
Đến nay có 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có sự đóng góp tích cực của các tổ chức KTTT, HTX. Quá trình liên doanh, liên kết, hình thành nhiều mô hình HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị bước đầu đạt hiệu quả trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Các HTX hoạt động hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, hoạt động đảm bảo đúng các nguyên tắc và bản chất HTX kiểu mới theo Luật HTX, có 70% HTX hoạt động hiệu quả, tăng 10% so với năm 2023; nhờ đó vị trí, vai trò HTX được nâng lên, thực sự là chỗ dựa cho kinh tế hộ thành viên phát triển kinh tế. Hoạt động của các HTX gắn liền với cộng đồng dân cư và có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Trong năm qua, đã thành lập mới 08 Tổ hợp tác (THT), 27 hợp tác xã (HTX); đến nay trên địa bàn tỉnh có 70 THT, 02 LHHTX, 206 HTX và 04 Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động. Các HTX đang hoạt động có tổng vốn 673,45 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 319,18 tỷ đồng; với 112.272 thành viên; lao động làm việc thường xuyên trong HTX 3.199 người; doanh thu bình quân khoảng 3,4 tỷ đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân 190 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của thành viên, lao động 4,5 triệu đồng/người/tháng. Các LHHTX với tổng vốn 1.050 triệu đồng, tổng doanh thu gần 100 triệu đồng/năm, tổng thu nhập 10 triệu đồng/năm.
Các HTX đã tập trung phát triển mô hình HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị sản phẩm. Việc xây dựng HTX phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp được quan tâm; mỗi chuỗi sản phẩm thực hiện đều hiệu quả, đã và đang được nhân rộng như: Chuỗi giá trị đối với sản phẩm lúa giống, lúa thương phẩm của HTX NN KDDV Hòa Mỹ Tây, Hòa Bình 1; sản xuất tiêu thụ rau củ quả của HTX NN Bình Ngọc, HTX NN CNC Dũng Lỗ Chài; nuôi tôm càng xanh xen canh trồng lúa, gạo của HTX DV NNTH Hòa Vinh; sản xuất nấm các loại của HTX DV NNTH Bình Kiến 2. HTX sản xuất sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP có thương hiệu, nhãn hiệu thuộc HTX được thị trường chấp nhận, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh như sản phẩm rượu tằm của HTX NN KDDV Hòa Phong; sản phẩm muối của HTX Muối Tuyết Diêm; gạo chất lượng cao của HTX NN An Nghiệp, HTX Hòa Bình 1, HTX Hòa Thành; sản phẩm sen của HTX NN KDDV Hòa Đồng; sản phẩm tinh bột nghệ của HTX NN Xuân Sơn Nam; dầu phụng của HTX NN Xuân Phước; sản phẩm dưa hấu của HTX DVNN Hòa Hội; các sản phẩm chế biến từ trái khóm của HTX NN KDTH Đồng Din; sản phẩm chế biến từ cây dược liệu của HTX NLN và DV Liên Xuân Phá; sản phẩm chế biến từ chăn nuôi gà của HTX NN Hữu cơ An Xuân Phát... HTX trực tiếp thực hiện từ khâu chọn giống, hướng dẫn, giám sát quy trình kỹ thuật sản xuất, chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, ký kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên. Hiệu quả kinh tế, thu nhập của thành viên tham gia chuỗi giá trị tăng cao hơn nhiều so với các năm trước đây. Có 42 sản phẩm của 21 HTX được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Sản phẩm nông sản của thành viên được hợp tác xã thu mua, tiêu thụ với giá thành được tăng lên, thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững cho thành viên HTX, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Các HTX nông nghiệp đã tích cực tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động HTX, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hộ thành viên, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống thành viên HTX. Phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền vận động thành viên và nhân dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục thể hiện vai trò trụ đỡ cho thành viên, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nhất là khu vực nông thôn. Kinh tế tập thể, HTX đã phát huy được vị trí, vai trò, tích cực hỗ trợ thành viên ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến KTTT, HTX. Hoạt động phối hợp giữa các ngành trong công tác hướng dẫn, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của HTX chưa chặt chẽ, thường xuyên. Việc hỗ trợ liên kết các tổ chức KTTT với doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm trên địa bàn tỉnh chưa nhiều.
Năm 2025, Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX năng động, hiệu quả, bền vững, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò nền tảng của KTTT trong nền kinh tế quốc dân; tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng ngành, nghề, dịch vụ gắn liên kết phát triển theo chuỗi giá trị; xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mang lại lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội ngày càng cao cho thành viên; thu hút ngày càng nhiều hộ cá thể, nông thôn, thành thị, các thành phần kinh tế khác tham gia phát triển các tổ chức KTTT, HTX góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phấn đấu thành lập mới 15 HTX, 01 LHHTX và 05 THT. Doanh thu bình quân đạt trên 3.500 triệu đồng/HTX/năm và lợi nhuận sau thuế bình quân đạt trên 200 triệu đồng/HTX/năm; 70% HTX hoạt động khá tốt, 30% HTX hoạt động trung bình, không có HTX yếu. Phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 2 - 3 mô hình HTX kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển bền vững có sự tham gia của các HTX nông nghiệp.
Đổi mới phương thức nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, Luật HTX năm 2023 và các văn bản pháp luật liên quan; tuyên truyền, giới thiệu, xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả. Tổ chức các đoàn nghiên cứu học tập mô hình HTX hoạt động theo chuỗi liên kết gắn với phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số hiệu quả.
Triển khai cơ chế chính sách; kiện toàn, đổi mới, nâng cao hiệu quả của các tổ chức KTTT, HTX; giải quyết những vướng mắc, khó khăn hỗ trợ KTTT phát triển. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực HTX; thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên HTX; tư vấn, hỗ trợ và cung ứng dịch vụ công, tiếp cận nguồn vốn vay.
THT, HTX, LHHTX tăng cường năng lực quản trị, hoạt động theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng dịch vụ; thu hút phát triển đa dạng hóa thành viên, đẩy mạnh tăng vốn góp, tăng vốn đầu tư phát triển, huy động nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên. Đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tăng cường liên kết giữa THT, HTX, LHHTX với các các tổ chức kinh tế để hoạt động theo chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hoàng Duy