Chính trị

Phú Yên thông qua Đề án thành lập thành phố Sông Cầu

Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên về lãnh đạo xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025. Sau nhiều phiên họp, thảo luận, lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, ngày 14/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xem xét, cho ý kiến về việc thành lập các phường thuộc thị xã Sông Cầu và thành lập thành phố Sông Cầu để trình Hội đồng Nhân dân tỉnh tại Kỳ họp cuối năm 2024.

Quang cảnh hội nghị 

Thị xã Sông Cầu được thành lập theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 27/8/2009 của Chính phủ trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Sông Cầu. Nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông, thị xã Sông Cầu cách thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên gần 50 km về phía Nam và cách thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định gần 50 km về phía Bắc. Địa bàn thị xã có Quốc lộ 1, Quốc lộ 1D, cao tốc Bắc - Nam, Tỉnh lộ 642 và 644 chạy theo hướng Đông - Tây bắt đầu từ Quốc lộ 1, nối liền Sông Cầu với các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên. Với hệ thống giao thông kết nối thuận lợi (đường bộ, đường biển) đã tạo cho thị xã Sông Cầu một khu du lịch liên vùng với các điểm du lịch nổi tiếng như: gò Găng, gò Bồi, gò Tây Sơn, ghềnh Ráng, gành Quy Hòa,... góp phần hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, bãi tắm và các điểm du lịch văn hóa, lịch sử như: Di tích Hòn Hương, Mã Chín Tầng, di tích khảo cổ học gò Ốc, cồn Đình, miếu Công Thần, mộ cụ Đào Trí, danh thắng Vịnh Xuân Đài... Bên cạnh đó, thị xã Sông Cầu còn là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong thế trận phòng thủ của tỉnh.

Trong những năm qua, thị xã Sông Cầu đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc thu hút các dự án đầu tư mới, tạo ra những bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm tại địa phương. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện sâu rộng. Thị xã đã đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn mới từ các nguồn: vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn các doanh nghiệp, vốn đóng góp của nhân dân, vốn đầu tư của các tổ chức phi chính phủ... Nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, tạo ra diện mạo đô thị, nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Kết cấu hạ tầng đô thị của thị xã Sông Cầu đã cơ bản hoàn thiện đồng bộ, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị.

Với định hướng xây dựng, phát triển thị xã Sông Cầu lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã xây dựng Đề án thành lập các phường thuộc thị xã Sông Cầu và thành lập thành phố Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Theo đó, tỉnh sẽ thành lập thành phố Sông Cầu trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 493,83 km, dân số là 150.103 người và 13 đơn vị hành cấp xã (gồm 09 phường và 04 xã) của thị xã Sông Cầu. Đến thời điểm hiện tại, các xã thuộc thị xã Sông Cầu đã bảo đảm đạt đủ 4/4 tiêu chuẩn để thành lập phường thuộc thị xã và thị xã Sông Cầu đã bảo đảm đạt đủ 5/5 tiêu chuẩn để thành lập thành phố thuộc tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc thành lập thành phố Sông Cầu là phù hợp với Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu phát triển xây dựng Phú Yên có chuỗi đô thị ven biển, cơ bản trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động và đa dạng, là tỉnh phát triển thuộc nhóm trên của các tỉnh có thu nhập trung bình cao của cả nước. Đồng thời đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh nói chung và thị xã Sông Cầu nói riêng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đỗ Văn Biên, Vụ Địa phương II, Văn phòng Trung ương Đảng