Kinh tế

Phú Yên: Phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới

Nhằm quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 86-KL/TW ngày 10/7/2024 của Ban Bí thư về phát triển nền Y học cổ truyền Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong giai đoạn mới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị và xã hội về phát triển nền Y học cổ truyền và Hội Đông y trong giai đoạn mới; qua đó, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, ngày 17/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 252-KH/TU nhằm thực hiện Kết luận số 86-KL/TW trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Kế hoạch đã đề ra 6 nội dung cần tập trung thực hiện:

 Hội Đông Y các Tỉnh, thành phố khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ (Cụm VII) tổ chức Hội nghị giao ban lần thứ IV (năm 2023) tại Phú Yên.

Thứ nhất, tiếp tục học tập, quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW, Kết luận số 86-KL/TW, Kế hoạch số 49-KH/TU về các chủ trương của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội; đổi mới và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong phát triển nền y học cổ truyền và hội đông y các cấp, góp phần bảo tồn, phát triển kho tàng y học dân tộc, truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam...

Thứ hai, tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tích cực, nòng cốt của Hội Đông y, ngành Y tế và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh trong việc tuyên truyền, vận động phát triển nền y học cổ truyền; kế thừa, phát triển những bài thuốc hay, cây thuốc quý, phương pháp chữa trị hiệu quả; quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, lương y, lương dược được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn; thường xuyên, kịp thời, củng cố kiện toàn các tổ chức hội, các tổ, phòng chẩn trị, đẩy mạnh công tác phát triển hội viên. Phối hợp với các cơ quan truyền thông giới thiệu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình trong phát triển nền y học cổ truyền. Tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Thứ ba, tăng cường quản lý nhà nước về đông y, đông dược. Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, tiếp tục cụ thể hóa chính sách về y học cổ truyền. Tăng cường công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực, thành phần tham gia phát triển nền y học cổ truyền. Quan tâm đầu tư nguồn lực cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; tiếp tục kiện toàn khoa Y học cổ truyền trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế có giường bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình hành nghề y dược cổ truyền phát triển, đặc biệt là dịch vụ y dược cổ truyền gắn với du lịch chăm sóc sức khỏe... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở khám chữa bệnh y dược cổ truyền và hoạt động mua bán, kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền; chú trọng quản lý thông tin, tuyên truyền, quảng cáo về y dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và xây dựng các đề tài về đông y; chọn lọc đề tài để trao đổi, học tập kinh nghiệm và tạo điều kiện cho đội ngũ này tham dự các hội nghị khoa học kỹ thuật về y dược cổ truyền. Thực hiện tốt công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu theo quy định đối với các bài thuốc gia truyền, những kinh nghiệm quý...; tôn vinh và bảo đảm quyền lợi của các danh y, khuyến khích, động viên các lương y giỏi truyền thụ y thuật cho con cháu, hội viên có tâm huyết nhằm góp phần bảo tồn, phát triển nền y học cổ truyền, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Thứ năm, Quy hoạch, phát triển vùng nuôi, trồng, sản xuất, chế biến dược liệu theo quy mô công nghiệp, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo đảm an ninh, an toàn dược liệu; triển khai thực hiện hiệu quả theo quy định, hướng dẫn của Trung ương về các chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý, dược liệu có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...

Thứ sáu, đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế về y dược cổ truyền, tập trung hợp tác trong các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật và học tập kinh nghiệm các địa phương trong nước và các nước có nền y dược cổ truyền phát triển bên cạnh việc phát huy nội lực, giữ vững bản sắc của y dược cổ truyền nuớc nhà.

(Ảnh minh hoạ Nguồn: Internet)

Để tổ chức thực hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, các hội quần chúng do Đảng,Nhà nước giao nhiệm vụ có liên quan tổ chức quán triệt, tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Kết luận số 86-KL/TW và Kế hoạch này, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ nhận thức đến tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch thuc hiện cụ thể, phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng văn bản cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này; rà soát, sửa đổi, bổ sung, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan; bố trí nguồn lực; tăng cường công tác quản lý nhà nước bảo đảm thực hiện đồng bộ chính sách,pháp luật thúc đẩy phát triển y học cổ truyền và phát huy vai trò hội đông y.

Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện xã hội.

Giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn quán triệt, tuyên truyền; chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch này. Theo dõi,kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện; định kỳ tham mưu sơ kết, tổng kết báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Diễm Chi