Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy

Phú Hòa: Tập trung nguồn lực chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB) trên địa bàn huyện Phú Hòa luôn được ưu tiên, dành nguồn lực giúp đỡ bằng nhiều hình thức: trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách, cấp học bổng, thăm hỏi tặng quà; cấp thẻ bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí và chăm sóc bằng các hình thức khác...

Trẻ em bị bại não ở xã Hòa An được các nhà hảo tâm trao tặng quà

Xác định rõ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, trẻ em có HCĐB nói riêng không chỉ là trách nhiệm của một ngành, một cơ quan, mà là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, những năm qua, các sở, ngành, đoàn thể trong huyện đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em theo quy định và giải quyết các vấn đề về trẻ em.

Toàn huyện hiện có 22.926, trong đó trẻ em nam 11.222 em, trẻ em gái có 11.704 em. Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện là 290 em, phần lớn là trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo, gia đình có vấn đề xã hội như cha mẹ ly hôn, ly thân, bạo lực gia đình, có người nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy; trẻ em sống trong gia đình có cả cha và mẹ đi làm ăn xa...). Đến nay, 100% trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa, có 01 trẻ bị HIV luôn được chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình, được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ theo quy định; hầu hết trẻ em sống trong gia đình thuộc hộ nghèo được giúp đỡ.

Thực hiện chăm sóc trẻ em có HCĐB bằng nhiều hình thức như: trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách, cấp học bổng, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí và chăm sóc bằng các hình thức khác. 100% số vụ vi phạm quyền trẻ em được phát hiện đã được các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024, Tháng hành động vì trẻ em, ngày Tết Thiếu nhi 01/6/2024, Tết trung thu toàn huyện có trên 800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tặng quà trị giá gần hơn 200 triệu đồng (riêng cấp huyện tổ chức tặng 1.200 suất quà, mỗi suất từ 50.000 đến 500.000 đồng tiền mặt…).

Để đạt được những kết quả đó, các cấp, các ngành trong huyện đã triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp. Trong đó, chú trọng công tác phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, phòng ngừa để trẻ em không rơi vào HCĐB. Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ chăm sóc trẻ em bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trên hệ thống Truyền thanh và Truyền hình huyện, Trang thông tin điện tử của huyện, của các ngành, trên hệ thống Đài truyền thanh ở 9 xã, thị trấn; In, cấp phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em, quyền trẻ em, lao động trẻ em... Tổ chức hội nghị truyền thông trực tiếp tại cộng đồng cho hàng nghìn trẻ em và cha/mẹ/người trực tiếp chăm sóc trẻ em; truyền thông tại địa bàn các xã, thị trấn nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ em các xã khó khăn như Hòa Hội.  

Truyền thông về quyền trẻ em tại CLB Quyền TE tại trường THCS Nguyễn Thế Bảo (xã Hòa Thắng.

Huy động sự tham gia của toàn xã hội chăm sóc, bảo vệ trẻ em có HCĐB

Vào những ngày cuối tháng 11 này, chúng tôi cùng với đoàn công tác của Chương trình Đom đóm thắp sáng tương lai của Đài PT-TH Phú Yên về thăm thôn Đông Phước, xã Hòa An, ở đây có một câu chuyện rất thương tâm về cô học trò nhỏ, năm nay chỉ mới học lớp 4 những đã phải sống trong cảnh mồ côi và nhiều nỗi đau liên tiếp xảy đến, đó là em Lâm Thị Cẩm Ly ở thôn Đông Phước, xã Hòa An…

Mẹ mất sớm, ba thì không còn ở cạnh bên từ lâu, anh trai mới mất vì tai nạn đuối nước cách đây mấy tháng, nhiều nỗi đau cứ ập đến làm tuổi thơ của Ly không còn được vui tươi như bao bạn bè đồng trang lứa… Mỗi ngày, Ly đến trường cùng với một người rất đặc biệt, dù đôi chân không còn lành lặn, nhưng vẫn âm thầm lặng lẽ mỗi ngày đưa em đến và luôn đứng đợi em mỗi khi tan trường, đó là ông nội của em… Đây chỉ là một trong số 5 bạn nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt mà chương trình Đom đóm thắp sáng tương lai sắp diễn ra tại huyện Phú Hòa vào ngày đặc biệt, 22/12/2024 tại Hội trường UBND huyện.

Năm 2024,  huyện cũng đã tập trung vận động nguồn lực hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số nhưu Hòa Hội , trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn... Tổ chức thăm, tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho các nhóm trẻ này. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực. Hỗ trợ các mô hình hoạt động bảo vệ trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em (như Câu lạc bộ Quyền trẻ em tại Trường THCS Nguyễn Thế Bảo, xã Hòa Thắng); xây dựng các công trình, trường, lớp học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhằm tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em có HCĐB, trong thời gian tới, các đơn vị, UBND xã, thị trấn trong huyện cần tăng cường tổ chức hiệu quả, đa dạng các hình thức truyền thông, giáo dục và bảo vệ trẻ em có HCĐB phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư, cơ sở chăm sóc trẻ em. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em nói chung và thực hiện chính sách, pháp luật đối với trẻ em có HCĐB nói riêng; thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB (trẻ em sống trong gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ mắc tệ nạn xã hội, bố mẹ đi làm ăn xa dài ngày bỏ con cho ông bà, họ hàng…) để có biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ kịp thời, không để trẻ em rơi vào HCĐB. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; Tăng cường phối hợp giữa cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, trong đó đẩy mạnh công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bố trí ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương, cơ sở…

Bích Thủy