Người khuyết tật (NKT) cũng là một công dân, họ gặp khó khăn, hạn chế về đi lại, tham gia các hoạt động cộng đồng, học tập, giao tiếp, ngoài ra họ có những đặc điểm tâm lý khác biệt và gặp nhiều rào cản hơn so với những nhóm yếu thế khác trong xã hội... Mặc dù vậy, họ cũng có những thế mạnh, nhu cầu, ước mơ như bất cứ ai. Bởi vậy, sự tham gia tư vấn, tham vấn, hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội (CTXH) sẽ góp phần tạo dựng niềm tin, mở ra nhiều cơ hội mới cho NKT.
Nhân viên CTXH Thị trấn Phú Hòa với bà Châu Thị Lới NKT (vận động nặng) tại KP Định Thọ 2
Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Hòa có 7.972 đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng, trong đó 4.802 có NKT. Ngoài ra, còn có 750 hộ gia đình được nhận kinh phí trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng.
Để tạo điều kiện cho đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT, trong việc nhận trợ cấp, UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 20/02/2024 về thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và Người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng huyện Phú Hòa năm 2024; Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 21/02/2024 về triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật huyện Phú Hòa năm 2024.
Đặc biệt, trong thời gian qua, Phòng Lao động-TB&XH huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về nội dung Luật Người khuyết tật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; các Đề án, Chương trình, Kế hoạch của Trung ương, tỉnh và của huyện về công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật trong các hoạt động của ngành. Trong đó, quan tâm tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cả cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí của các hoạt động công tác xã hội; đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trong việc đảm bảo an sinh xã hội; tầm quan trọng của công tác phòng ngừa khuyết tật; phát hiện sớm, can thiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phương pháp xác định mức độ khuyết tật, về chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho NKT. Đảm bảo 100% các đối tượng có đủ điều kiện và nhu cầu được hướng dẫn, hỗ trợ để tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật, về phát triển công tác xã hội, các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quy trình cung cấp dịch vụ công tác xã hội của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội.
Ngoài ra, hàng năm,UBND huyện cũng đã có công văn cử nhân viên công tác xã hội (CTXH) ở 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia các lớp tập huấn chuyên đề về NKT do Sở Lao động-TB&XH tỉnh tổ chức nhằm triển khai các quy định của Luật Khuyết tật, trong các chương trình tập huấn, học viên nắm rõ nhiều nội dung quan trọng như: phương pháp xác định mức độ khuyết tật, hệ thống chính sách hỗ trợ người khuyết tật, kỹ năng chăm sóc người khuyết tật.
Trong công tác chăm sóc sức khỏe, đến nay 100% NKT nặng và đặc biệt nặng trên địa bàn huyện đều được cấp thẻ BHYT. Tại Trung tâm y tế huyện đều có quy định về ưu tiên và hỗ trợ NKT trong việc khám chữa bệnh, bên cạnh đó, hàng tháng nhiều tổ chức và cá nhân từ thiện cũng đã tham gia hỗ trợ các suất ăn miễn phí cho NKT, NCT tại đây. Bên cạnh đó, nhân viên CTXH cũng đã hỗ trợ NKT tăng cường khả năng sống độc lập, hỗ trợ gia đình có NKT nặng nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, qua đó góp phần cải thiện chất lượng sống của NKT. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NKT, tạo điều kiện để NKT tích cực tham gia vào các hoạt động của xã hội. Có thể nói rằng, công tác xã hội trợ giúp NKT được ngành Lao động-TB&XH huyện lồng ghép linh hoạt và có hiệu qủa, giúp mỗi cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn cũng như các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện có nhận thức đầy đủ hơn về quyền của người khuyết tật cũng như vai trò, trách nhiệm của mỗi xá nhân, tổ chức và toàn xã hội trong công tác trợ giúp NKT. NKT sau khi được tuyên truyền, phổ biến cũng đã có sự cố gắng vươn lên, khắc phục khó khăn, không ngừng phấn đấu để hòa nhập cộng đồng.
Từ thực tế này, sự tham gia của nhân viên CTXH sẽ giúp NKT tiếp cận với các nguồn lực, tư vấn cho họ phát huy khả năng, trình độ để NKT trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin sống độc lập, hòa nhập cộng đồng và tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, có cơ hội được lao động, học tập như những người bình thường. Nhân viên CTXH cũng sẽ tham vấn cho NKT có điều kiện tiếp cận để được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, làm việc, trợ giúp pháp lý, giúp họ hiểu và nắm bắt được các quyền của họ theo quy định của pháp luật...
Chị Trần Thị Bích Liên - Nhân viên CTXH Thị trấn Phú Hòa cho biết: vai trò và trách nhiệm của nhân viên CTXH vô cùng quan trọng trong tiến trình tạo ra sự thay đổi tích cực đối với đời sống của NKT, thúc đẩy môi trường xã hội, bao gồm: thực hiện chính sách, pháp luật, cộng đồng thân thiện để NKT dễ dàng hòa nhập xã hội. Nhân viên CTXH còn là người tư vấn, giới thiệu những chính sách an sinh xã hội mà NKT được hưởng như miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, tiếp cận dễ dàng hơn với các công trình, phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và tham gia đào tạo kỹ năng sống, tổ chức các dịch vụ nâng cao khả năng sống độc lập của NKT.
Qua các hoạt động này, NKT đã nhận được sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, giúp tích cực hơn trong học tập, PHCN. Cán bộ CTXH còn trợ giúp, tư vấn về pháp lý để NKT được hưởng các chính sách liên quan như: Chế độ trợ cấp hàng tháng, chính sách giáo dục, bảo hiểm, việc làm… và tham gia xây dựng chính sách đối với NKT, nghề CTXH như: Tham gia, đóng góp ý kiến xây dựng Luật CTXH, xây dựng các nghị định, thông tư liên quan đến chế độ, chính sách của NKT.
Trong thời gian tới, Phú Hòa sẽ tích cực triển khái thực hiện Chương trình phát triển nghề CTXH giai đoạn 2021-2030; Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 và một số kế hoạch, chương trình khác thuộc lĩnh vực an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động xã hội, tạo sự quan tâm của toàn xã hội đến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực bảo trợ xã hội.
Bích Thuỷ