Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy

Phú Hòa: Đẩy mạnh cải cách hành chính

UBND huyện Phú Hòa xác định đẩy mạnh công tác cải cách hành chính xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Bộ phận một cửa của huyện Phú Hòa tiếp nhận và trả kết quả cho người dân

Năm qua, huyện luôn chú trọng đến công tác CCHC; tăng cường kiểm tra việc giải quyết TTHC và kỷ luật, kỷ cương hành chính của huyện, kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại, thiếu sót. Qua đó kỷ luật, kỷ cương hành chính và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức từng bước được nâng lên. Huyện thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với tổ chức, cá nhân để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, giải quyết những thắc mắc liên quan đến các TTHC mà các tổ chức, cá nhân gặp phải; tìm hướng giải quyết, tránh sự phiền hà, gây khó dễ cho dân. Ngoài việc các TTHC được niêm yết tại trụ sở huyện, các xã, thị trấn và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, huyện Phú Hòa cũng đã từng bước thực hiện đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ của tổ chức, cá nhân, góp phần phục vụ tốt các yêu cầu chính đáng của người dân. UBND huyện thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn đối với cán bộ, công chức... Nhờ vậy, sự hài lòng của người dân được nâng lên, thể hiện rõ nhất là trước đây mỗi khi đi tiếp xúc cử tri, bà con rất hay phàn nàn, kiến nghị nhưng hiện nay hầu như không có; tổ chức  khảo sát, lấy ý kiến mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan hành chính nhà nước trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện; tuyên truyền CCHC, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện; thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn huyện; Tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính; kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; không ngừng kiện toàn công tác tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, …

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, chỉ đạo điều hành được phát huy, Chỉ số Cải cách hành chính của UBND huyện được cải thiện qua từng năm, xếp loại khá từ năm 2021, 2022 thì đến năm 2023, 2024 chỉ số này đạt loại tốt.

Công tác chuyển đổi số luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền. Hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn huyện được đầu tư và phát triển, mạng viễn thông, mạng internet đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH; trên 90% cán bộ, công chức thực hiện tiếp nhận và xử lý công việc qua phần mềm quản lý văn bản điện tử iOffice đảm bảo theo tiến độ, thời gian quy định. Huyện đã quan tâm bố trí kinh phí đầu tư hệ thống thông tin đồng bộ từ huyện tới cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận thông tin nhanh chóng, chính xác. Huyện đã quan tâm bố trí kinh phí đầu tư hệ thống thông tin đồng bộ từ huyện tới cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong công tác tuyên truyền, quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận thông tin nhanh chóng, chính xác. Thời gian tới, huyện Phú Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên địa bàn; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong điều hành, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác chuyển đổi số. Huyện xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong chiến lược phát triển KT-XH của huyện, từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn.          

Nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới sự hài lòng của người dân, tổ chức; UBND huyện đề ra một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc và sự chỉ đạo, điều hành của UBND huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng như trong triển khai công tác cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước; lấy kết quả cải cách hành chính hàng năm làm tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị; chất lượng chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; coi trọng công tác thi đua, khen thưởng gắn với kết quả, hiệu quả cải cách hành chính. Phát huy dân chủ, thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính của huyện, cấp xã. Tăng cường kiểm tra, theo dõi, đánh giá cải cách hành chính, khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. 

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách TTHC góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước; tăng cường rà soát, kiến nghị, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đồng thời áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Tập trung ưu tiên nguồn lực để đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. 

Thứ tư, Tiếp tục cải cách, sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, bảo đảm chất lượng, hoạt động hiệu quả.

Thứ năm, Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và có đạo đức cách mạng, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, trách nhiệm, hết lòng phục vụ người dân, tổ chức. Đồng thời, sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín với Nhân dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số  bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mỗi người dân cần nhìn thấy và thụ hưởng kết quả cụ thể của chuyển đổi số, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân.

Bích Thủy