Chính trị

Phát huy truyền thống 95 năm vẻ vang của Đảng, vững tin thực hiện hóa thành công khát vọng vươn mình của dân tộc

Năm 2025, là năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại, nhiều ngày Lễ lớn của Đảng và đất nước, mà khởi đầu là kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025)… Trong niềm phấn khởi và tự hào sâu sắc về những thành tựu đạt được của quê hương, đất nước trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển và chào đón năm mới 2025 - Xuân Ất Tỵ, chúng ta nhìn lại một chặng đường 95 năm Đảng lãnh đạo Nhân dân làm nên những thắng lợi vĩ đại và cùng quyết tâm, nỗ lực để hướng về một tương lai tươi sáng đang chờ đón ở phía trước.

Đồng chí Cao Thị Hòa An – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đọc diễn văn ôn lại kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Ngược dòng lịch sử, từ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước ta chìm trong đêm trường nô lệ. Nhân dân ta liên tiếp đứng lên chống ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân cướp nước và phong kiến tay sai. Các phong trào diễn ra mạnh mẽ, tràn đầy khí phách bất khuất và sáng ngời tinh thần yêu nước, nhưng tất cả đều không thành công, vì thiếu một đường lối lãnh đạo đúng đắn, vì chưa có được một tổ chức lãnh đạo đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh cách mạng.

Trong bối cảnh đó, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) với lòng yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân vô hạn và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Sau nhiều năm bôn ba khắp các châu lục, Người đã tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, tiến đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/1930. Với sự kiện lịch sử trọng đại này, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức bước lên vũ đài chính trị, lãnh đạo Nhân dân tổ chức thắng lợi các cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Sau khi ra đời, gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối, chỉ trong vòng 15 năm, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945), làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 "long trời, lở đất", thành lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cách mạng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cùng một lúc phải đương đầu với "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", kiên cường bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trên cơ sở đường lối kháng chiến "toàn dân", "toàn diện", "trường kỳ", "dựa vào sức mình là chính", phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (năm 1954), kết thúc sự đô hộ của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương.

Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, miền Bắc vừa nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa dốc sức làm tròn nghĩa vụ của hậu phương chi viện cho tiền tuyến. Nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Với tinh thần "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", "không có gì quý hơn độc lập, tự do"; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975, giang sơn thu về một mối, đất nước thống nhất. Thắng lợi đó "mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc".

Sau khi đất nước thống nhất, trong lúc toàn Đảng và toàn dân khẩn trương khắc phục những hậu quả vô cùng nặng nề do chiến tranh để lại, thì Nhân dân Việt Nam lại tiếp tục phải đương đầu với những cuộc chiến tranh mới, đó là chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời, làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và tiến hành công cuộc hồi sinh đất nước.

Bước vào thời kỳ mới, trước những yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, để khắc phục những bất cập của cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp dẫn tới sự khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm sau chiến tranh, Đảng ta tiến hành tổng kết thực tiễn từ những sáng kiến, sáng tạo của Nhân dân, với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", quyết tâm, sáng suốt đề ra đường lối đổi mới đất nước tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986), đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đường lối đổi mới ra đời đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử, thể hiện bản lĩnh vững vàng, tư duy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của đất nước.

Sau Đại hội VI, Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kỳ đại hội. Những năm 90 của thế kỷ XX, trước những thách thức từ sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên định, giữ vững lập trường tư tưởng, chính trị, lãnh đạo Nhân dân vững bước và sáng tạo trên con đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể và đặc điểm của Việt Nam.

Thực tế, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, lạc hâu, vừa bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia dân tộc được bảo đảm. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Đại hội XIII của Đảng khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Biểu diễn văn nghệ chào mừng 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Lịch sử ra đời và quá trình xây dựng, phát triển, trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Phú Yên gắn liền với lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. Là địa phương giàu truyền thống cách mạng, nên chỉ sau 08 tháng từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, ngày 05/10/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên cũng ra đời tại xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long (nay thuộc khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân). Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu sự hình thành và phát triển của phong trào cách mạng tại tỉnh nhà, mở ra trang sử hào hùng của Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên trong công cuộc đấu tranh giải phóng tỉnh nhà và tiến lên xây dựng quê hương giàu mạnh.

Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên ra đời đã nhanh chóng tập hợp, tuyên truyền, giác ngộ nhiều quần chúng yêu nước, tiến bộ và phát triển tổ chức cơ sở đảng ngày càng vững mạnh. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhiều phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp, liên tục góp phần cùng Nhân dân cả nước làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên đã anh dũng chiến đấu, đánh lui nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, giữ vững vùng tự do, xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, một địa bàn chiến lược phía nam Liên khu V. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Phú Yên là hậu phương trực tiếp của các chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Việc quân và dân Phú Yên đánh bại chiến dịch Át - Lăng của địch trên địa bàn Phú Yên đã góp phần chia lửa cùng chiến trường Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phân tách lực lượng, bị động đối phó và không thể tập trung được lực lượng cho Điện Biên Phủ, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp đối với nước ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên đã vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng, đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị, liên tục tiến công và nổi dậy.... Qua 21 năm kháng chiến gian khổ và ác liệt, Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên đã lập nên biết bao kỳ tích anh hùng. Từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, làm nên Đồng khởi Hòa Thịnh năm 1960, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đến chiến thắng Đường số 5 lịch sử, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 01/4/1975, góp phần cùng với quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay, Đảng bộ, quân và dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quê hương, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhất là qua 35 năm tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ, chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ; bộ mặt đô thị có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo đảm tốt công tác an sinh xã hội. Công tác quốc phòng - an ninh luôn được củng cố và tăng cường tiềm lực, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, chất lượng, năng lực của bộ máy chính trị, cán bộ, đảng viên được nâng lên… Từ một Chi bộ khi mới thành lập chỉ có 9 đảng viên, đến nay, toàn tỉnh có 1.946 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; 547 chi, đảng bộ cơ sở; 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, với tổng số 47.488 đảng viên. Đây là một lực lượng hùng hậu và vững mạnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, đưa tỉnh Phú Yên phát triển nhanh và bền vững.

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII đến nay, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dưng hệ thống các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, nhất là việc triển khai xây dựng Khu Kinh tế Nam Phú Yên. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024, với chủ đề “Phú Yên - Khát vọng phát triển” mở ra cơ hội, bức tranh kinh tế mới đầy triển vọng cho mảnh đất Phú Yên. Hạ tầng giao thông được tập trung thực hiện theo định hướng xây dựng và phát triển trục kinh tế kết nối đông tây và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.

Những thành tựu và tiến bộ mà tỉnh Phú Yên đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng Đảng trên chặng đường cùng cả nước đi lên CNXH, đặc biệt là qua 40 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng; khẳng định vai trò, vị trí của Phú Yên trong bức tranh phát triển của cả nước. Dẫu vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, song kết quả của những nỗ lực trong những năm qua là tiền đề rất quan trọng để tỉnh Phú Yên bứt phá trong giai đoạn tới.

Trước bối cảnh lịch sử, thời cơ của đất nước, đòi hỏi toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh Phú Yên với ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới và vươn lên, bằng quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, phải tập trung hành động quyết liệt, hiệu quả để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TU về tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện để Phú Yên cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm mà cả hệ thống chính trị cùng toàn dân tỉnh nhà sẽ phấn đấu, quyết tâm, nỗ lực thực hiện để đạt được những mục tiêu lớn trong thời gian đến: Từ công tác chuẩn bị, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; cùng với phát triển kinh tế, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời, quan tâm chăm lo, nâng cao chất lượng cuộc sống để người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Phát huy truyền thống 95 năm vẻ vang của Đảng, niềm tự hào về những thành tựu to lớn đạt được của đất nước, của quê hương Phú Yên trong quá trình đổi mới trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo động lực mạnh mẽ để toàn Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm để thực hiện thắng lợi tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu mạnh và bình yên.

Đặng Hồng Thái