Công tác tuyên giáo

Những kết quả nổi bật đạt được trong hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành ở Phú Yên

Trong những năm qua, quán triệt và thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực xuất bản, in ấn, phát hành, nhất là Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, các hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ Sách và Văn hóa đọc năm 2024.

Kết quả quan trọng nổi bật nhất, đó là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in ấn, phát hành luôn được chính quyền và cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các quy định của pháp luật; việc cấp giấy phép tài liệu không kinh doanh qua dịch vụ công bảo đảm đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, các cơ sở in trên địa bàn hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, nhiều chính sách liên quan đến công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về thuế, thu hút các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động xuất bản đã được tỉnh kịp thời bổ sung, điều chỉnh; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, in ấn được quan tâm thực hiện thường xuyên (thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức 13 cuộc thanh tra đối với 153 đối tượng là doanh nghiệp, cơ sở in, phát hành xuất bản phẩm; phát hiện và xử phạt hành chính đối vớ 02 cơ sở phát hành có dấu hiệu vi phạm với số tiền 21 triệu đồng, tịch thu 21 tờ lịch, 947 xuất bản phẩm in lậu và không có hóa đơn thể hiện nguồn gốc hợp pháp); công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác cấp phép xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm cũng được quan tâm thực hiện, trong đó, tỉnh đã phối hợp với cơ quan liên quan của Trung ương tổ chức nhiều hội nghị tập huấn quan trọng như: Hội nghị tập huấn nghiệp vụ về phòng, chống in lậu (năm 2019) và Hội nghị tập huấn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành (2022). Đối với từng lĩnh vực, kết quả đạt được cụ thể như sau:

Trên lĩnh vực xuất bản: Hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh trong những năm qua chủ yếu là xuất bản các tài liệu không kinh doanh nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ thẩm định và cấp phép xuất bản theo quy định. Trong 15 năm, từ năm 2008 đến hết năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thẩm định và cấp phép cho hơn 1.200 hồ sơ  xuất bản tài liệu không kinh doanh; thời gian, thủ tục thẩm định và cấp phép bảo đảm đúng quy định của Nhà nước (được thực hiện từ 5 đến không quá 10 ngày làm việc/01 hồ sơ (theo quy định không quá 15 ngày)). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 03 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động xuất bản loại hình báo in gồm: Báo Phú Yên (xuất bản hàng ngày, với 4.118 tờ/kỳ), Tạp chí Văn nghệ Phú Yên thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (xuất bản 8 kỳ/năm), Tạp chí Khoa học Đại học Phú Yên (xuất bản 03 kỳ/năm); 12 cơ quan, đơn vị được tỉnh cấp phép xuất bản bản tin định kỳ hằng tháng, hằng quý...

Nhìn chung, hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng các quy của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Số lượng xuất bản phẩm tăng nhanh, chất lượng nội dung, hình thức các xuất bản phẩm từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng độc giả trong tỉnh, nổi bật là các xuất bản phẩm thuộc các ấn phẩm báo chí, tập san chuyên ngành, áp phích, kỷ yếu, tài liệu hỏi - đáp; các công trình nghiên cứu về lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, ban, ngành; các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền các sự kiện lịch sử, sự kiện chính trị của địa phương; các loại tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền...

Trên lĩnh vực in ấn, phát hành: Lĩnh vực in ấn trên địa bàn tỉnh được chính quyền và cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Toàn tỉnh có 09 đơn vị in xuất bản và 70 cơ sở in quảng cáo tư nhân được cơ quan chức năng cấp giấy phép và đều hoạt động đúng quy định pháp luật, thường xuyên đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc mới, hiện đại, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và nhu cầu của thị trường. Các sản phẩm được in ấn tại các cơ sở in trên địa bàn tỉnh chủ yếu là báo, tạp chí, đặc san, bản tin; tài liệu tuyên truyền, biểu mẫu giấy tờ, hóa đơn phục vụ các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân…

Cũng với đó, các cơ sở phát hành xuất bản phẩm (gồm có: Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Phú Yên, Nhà sách Fahasa Phú Yên, Nhà sách Vạn Trí, Công ty cổ phần Con Cưng ) là các doanh nghiệp được cơ quan chức năng cấp giấy phép hoạt động, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong công tác phát hành xuất bản phẩm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 63 cơ sở kinh doanh, mua bán xuất bản phẩm nhỏ lẻ (chủ yếu sách giáo khoa) kinh doanh dưới dạng văn phòng phẩm, nhà sách, tạp hóa. Các cơ sở này chủ yếu thực hiện kinh doanh các xuất bản phẩm, không thực hiện việc liên doanh, liên kết xuất bản, phát hành. Xuất bản phẩm được phát hành đa dạng về thể loại, nội dung, hình thức như sách giáo khoa, sách tham khảo, sách tổng hợp, sách chính trị, văn học, kỹ thuật, thiếu nhi, truyện...

Về công tác phát triển văn hóa đọc: Cùng với sự phát triển của các lĩnh vực xuất bản, in ấn, phát hành, công tác phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Tỉnh Phú Yên hiện có 01 thư viện cấp tỉnh, 08 thư viện cấp huyện, 15 thư viện cấp xã; 60 phòng, điểm đọc sách. Các cơ sở này thường xuyên được quan tâm  nâng cấp, sửa chữa để phục vụ nhu cầu đọc sách, tìm hiểu, cập nhật kiến thức, chính sách, pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Hằng năm, Thư viện tỉnh tổ chức luân chuyển gần 400.000 lượt sách, báo, tạp chí đến các điểm bưu điện - văn hóa cấp xã, phục vụ kịp thời bạn đọc khắp các vùng, miền trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đổi và cấp mới cho gần 1.000 lượt thẻ bạn đọc, phục vụ gần 200.000 lượt bạn đọc mỗi năm; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động thông tin cơ sở như cung cấp thông tin, sản phẩm và dịch vụ thiết yếu của đơn vị đến bạn đọc bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng thông qua Trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh, tổ chức hội sách hằng năm, các cuộc thi tôn vinh văn hoá đọc... Qua đó, góp phần khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách cũng như các hình thức xuất bản phẩm khác đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng là đơn vị quan tâm đặc biệt đến việc phát triển văn hóa đọc. Theo đó, Sở thường xuyên hướng dẫn các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh xây dựng, triển khai các mô hình thư viện như: Thư viện thân thiện, thư viện xanh, góc thư viện (được đặt tại góc sân trường, hay tại mỗi lớp học), giúp cho các em dễ dàng lựa chọn và đọc sách trong thời gian rảnh rỗi. Bên cạnh đó, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực tham gia nhiều hoạt động nhằm cổ vũ, thúc đẩy việc sưu tầm, tìm kiếm, đọc sách của các em học sinh, như: Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, Đại sứ văn hóa đọc, Hội thi Thiếu nhi kể chuyện theo sách ... qua đó góp phần lan tỏa mạnh mẽ hoạt động văn hóa đọc sách trong nhà trường nói riêng và cộng đồng nói chung.

Các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã phối hợp triển khai tốt Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Theo đó, từ năm 2009 đến nay, tỉnh Phú Yên đã tiếp nhận 545 đầu sách (bao gồm sách và đĩa CD) từ các cơ quan Trung ương, góp phần đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở các xã, phường, thị trấn. Tủ sách được trưng bày tại văn phòng đảng ủy cấp xã hoặc trưng bày chung với tủ sách pháp luật của địa phương, một số khác được trưng bày tại điểm bưu điện văn hóa xã… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng, thành phần được tiếp cận, khai thác, nghiên cứu. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân và cán bộ, đảng viên ở cơ sở thực hiện khai thác, sử dụng sách điện tử của Đề án trên trang web Thư viện điện tử sách xã, phường, thị trấn (http://thuviencoso.vn)...

Có thể khẳng định, hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp Nhân dân; nâng cao dân trí; giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh... Tuy nhiên, hoạt động của các lĩnh vực này vẫn còn những hạn chế như: Quy mô, năng lực của các cơ sở in xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội; công nghệ chế bản, in ấn mặc dù được các cơ sở in quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được tất cả nhu cầu tại chỗ về in công nghệ cao, nên số lượng xuất bản phẩm chất lượng cao được in trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm; mạng lưới phát hành xuất bản phẩm còn mỏng, phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại trung tâm thành phố; số lượng xuất bản phẩm phát hành về cơ sở càng ngày càng giảm, nhất là số lượng phát hành sách, báo, tạp chí của Đảng; nhiều cửa hàng, nhà sách, trung tâm sách đã bị chuyển đổi sang kinh doanh những mặt hàng khác có lợi nhuận cao hơn; Hệ thống thư viện ở các huyện, trường học, tủ sách pháp luật … tuy được quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng đầy đủ, lượng sách tuy nhiều nhưng không phong phú, nên chưa thu hút được nhiều đọc giả; chưa có chính sách, giải pháp mới, hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội, mở rộng hợp tác trong hoạt động xuất bản, in và phát hành.

Trụ sở Công ty cổ phần In - Thương mại Phú Yên

Để tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh, cần thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX), gắn với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác xuất bản, in ấn, phát hành. 

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là các hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, giới thiệu, lan tỏa các xuất bản phẩm mới và phát triển phong trào văn hóa đọc.

Thứ ba, cần quan tâm nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách mới để huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống nhà sách, cửa hàng sách, thư viện, phòng đọc tại các các cơ quan, đơn vị và hộ gia đình…

Thứ tư, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho lực lượng cán bộ, công chức, viên chức người lao động làm việc trong lĩnh vực xuất bản, in ấn và phát hành.

(TT)