Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên vừa chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan hữu quan tổ chức tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV để lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.
Các vị ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại huyện Sơn Hòa. Ảnh: Thùy Lâm
Theo đó, qua tiếp xúc cử tri bằng hình thức hội nghị tại 09 huyện, thị xã, thành phố và 01 điểm tại Nhà văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh đã có 1.631 cử tri tham dự, với 77 lượt ý kiến phát biểu. Nhìn chung, cử tri phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vai trò điều hành, quản lý của Nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội; đánh giá cao việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an sinh xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; quốc phòng được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Cử tri quan tâm theo dõi, ghi nhận việc Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan, chính quyền các cấp đã nghiêm túc xem xét, giải quyết, trả lời những kiến nghị của cử tri đã phản ánh. Bên cạnh đó, cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên trong thời gian qua. Ý kiến của cử tri tập trung phản ánh về một số vấn đề như: công tác lập pháp; chế độ chính sách; mức đóng, quyền lợi khi tham gia Bảo hiểm y tế; chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế; giải quyết việc làm; chính sách vay vốn đối với học sinh, sinh viên,…
Cụ thể, đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cử tri phản ánh, kiến nghị:
Thứ nhất, hiện nay, số lượng cán bộ công đoàn ở cấp tỉnh/cấp huyện được bố trí chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và số lượng đoàn viên tăng liên tục gây khó khăn cho hoạt động công đoàn, có nơi công đoàn không kịp thời chăm lo, bảo vệ được quyền lợi cho người lao động. Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai, kinh phí công đoàn là nguồn thu quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động. Trong bối cảnh Ngân sách nhà nước còn khó khăn và để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động, cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, tiếp tục quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời, quy định chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn. Lao động khu vực phi chính thức hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ cao và là lực lượng yếu thế rất cần được công đoàn bảo vệ. Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép người lao động khu vực không chính thức có quyền thành lập, gia nhập công đoàn trong Luật Công đoàn (sửa đổi) để họ được quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền lợi.
Thứ ba, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động chưa thực sự đi vào cuộc sống. Cử tri cho rằng báo cáo trong hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi), chưa có nhiều người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ này. Do đó, đề nghị cần có những ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nâng cao tay nghề cho người lao động, đặc biệt đối với những ngành nghề có xu hướng phát triển cao như công nghệ thông tin, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn,… nhằm động viên, khuyến khích doanh nghiệp không ngừng đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, không đơn thuần là chỉ hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
Thứ tư, cử tri cho rằng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo được quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 87 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đối với “thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng” sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động dẫn đến tìm cách để “bớt thiệt” của người lao động, với việc nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đến ngưỡng. Điều này, sẽ gây xáo trộn thị trường lao động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi mất đi những người lao động làm việc lâu năm hoặc xảy ra tình trạng người lao động phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách Bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, ngay tại Luật Việc làm hiện hành và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) (Khoản 2 Điều 102) đều có tính “Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp” như vậy là thời gian trên 144 tháng đã được thừa nhận. Do đó, đề nghị Quốc hội nghiên cứu, có quy định cụ thể ở 2 điều khoản trên để không gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ năm, giáo viên mầm non làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ 3 - 6 tuổi. Chăm sóc trẻ ở độ tuổi này đòi hỏi giáo viên mầm non tập trung cao trong suốt thời gian làm việc để đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế, do tính chất công việc, nên giáo viên mầm non thường phải có mặt từ trường vào sáng sớm để đón trẻ, kết thúc làm việc muộn khi trẻ được gia đình đón hết. Như vậy, trong quá trình làm việc, giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực, gây ức chế tâm lý ảnh hưởng đến sức khoẻ, thể chất và tinh thần. Trong suốt thời gian buổi học, giáo viên mầm non phải tổ chức thực hiện các hoạt động có tính chất vận động liên tục như múa, hát, chăm sóc trẻ hiếu động. Điều này giáo viên phải đòi hỏi có sức khoẻ tốt, phản xạ nhanh. Do vậy, Giáo viên mầm non nếu tuổi cao thì không còn sức sáng tạo, kém linh hoạt, sức khoẻ suy giảm, không còn nhanh nhẹn để đảm bảo công tác chăm sóc, giáo dục, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho trẻ. Do đó, cử tri kiến nghị Quốc hội quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định chung trong dự thảo Luật Nhà giáo lần này.
Có 03 ý kiến gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Thứ nhất, phụ cấp tiền trực, thủ thuật và phẫu thuật theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch” không còn phù hợp, trượt giá, lương cơ bản đã tăng nhưng tiền trực và thủ thuật không tăng. Cử tri kiến nghị tăng phụ cấp tiền trực, thủ thuật và phẫu thuật. Thứ hai, chương trình vay vốn đối với sinh viên hiện nay (Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 09 năm 2007 và Quyết định 05/2022/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ) có hạn chế về đối tượng được hưởng, cụ thể đối với những sinh viên thuộc hộ có mức sống chạm ngưỡng trung bình, nhà có anh chị em đồng thời đang học đại học hoặc những đối tượng không thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp có điều kiện kinh tế gia đình khó khăn không được vay sẽ rất khó khăn. Do đó, cử tri kiến nghị cần mở rộng đối tượng được vay tín dụng đối với sinh viên. Thứ ba, đối với gói thầu, dự án sử dụng vốn chi thường xuyên hoặc nguồn kinh phí sự nghiệp (dự án hình thành từ dự toán mua sắm) và không phải dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì sẽ áp dụng hạn mức chỉ định thầu theo dự toán mua sắm là trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng (đối với gói thầu, nội dung mua sắm có giá không quá 50 triệu đồng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mua sắm chịu trách nhiệm quyết định việc mua sắm). Điều này làm kéo dài thời gian thực hiện lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu, dự án sử dụng vốn chi thường xuyên hoặc nguồn kinh phí sự nghiệp. Do đó, đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng áp dụng tương tự hạn mức gói thầu dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công hoặc quy định cụ thể đối với từng gói thầu và hạn mức chỉ định thầu để góp phần rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, thúc đẩy tiến độ dự án, giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, cử tri cũng gửi nhiều ý kiến, kiến nghị đến các bộ, ngành của Trung ương để xem xét, giải quyết, tháo gỡ nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp, vướng mắc từ cơ sở, cuộc sống. Cụ thể, cử tri kiến nghị Bộ Y tế: Từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng theo đó mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình cũng tăng thêm 30% so với mức đóng cũ, trong khi đời sống của đại bộ phận nhân dân ở nhiều nơi, nhất là ở nông thôn, vùng miền núi còn nhiều khó khăn. Cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp, lộ trình tăng mức đóng bảo hiểm Y tế cho phù hợp, đảm bảo mọi người dân đều được tham gia bảo hiểm Y tế. Cử tri băn khoăn về quy định bắt buộc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với người làm công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng. Bởi người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thường phải trải qua quá trình đào tạo, thử việc dài hạn, nhiều áp lực, kinh phí. Việc yêu cầu chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với đối tượng này và một số đối tượng đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động đối với người lao động, người sử dụng lao động, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính, chồng chéo giữa các văn bản.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, cử tri phản ánh, tình trạng Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều đoạn đơn vị thi công đào, xới mặt đường để trong thời gian dài, chậm hoàn trả lại nền mặt đường, gây cản trở, mất an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm xem xét, chỉ đạo khắc phục tình trạng này. Từ năm 2014, tuyến đường trục giao thông phía Tây tỉnh Phú Yên được chuyển thành tuyến Quốc lô ̣19C, đây là tuyến đường kết nối giao thông đi qua 03 tỉnh: Bình Định, Phú Yên và Đắk Lắk, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Phú Yên có chiều dài khoảng 112Km; riêng đoạn tuyến qua địa phận thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân chưa được đầu tư nên phải sử dụng tạm thời đường nội thị của thị trấn có chiều dài khoảng 3,2km (lý trình Km58 - Km61, tuyến Quốc lộ 19C). Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như các địa phương lân cận đang phát triển nhanh, nhu cầu vận tải tăng cao, các phương tiện lưu thông trên tuyến Quốc lộ 19C đoạn qua thị trấn ngày càng nhiều; trong khi đoạn tuyến qua thị trấn La Hai quá chật hẹp, độ rộng trung bình 05 - 07m, không có lề đường, dân cư sống dọc tuyến đường rất đông đúc nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao (từ năm 2014 đến tháng 5/2024 đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết 16 người, bị thương 10 người, thiệt hại tài sản 248 triệu đồng; 68 vụ va chạm giao thông làm bị thương 104 người, thiệt hại tài sản 358 triệu đồng). Cử tri và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được quan tâm giải quyết (nội dung kiến nghị từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV). Cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư tuyến tránh này. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, cử tri nhiều lần kiến nghị nội dung liên quan đến việc bổ sung hầm chui dân sinh tại điểm giao cắt giữa tuyến đường bê tông liên thôn Tường Quang - Ngọc Phong (thuộc địa phận xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa) với tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đây là tuyến đường quan trọng, phục vụ nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân xã Hòa Kiến, xã Bình Kiến, phường 9 (thành phố Tuy Hòa). Bên cạnh đó, cử tri phản ánh, trước đây trên cánh đồng của các Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Hòa Kiến (xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa) đều có đường giao thông nội đồng để nông dân đi lại chăm sóc đồng ruộng và vận chuyển lúa, nông sản khác. Khi thi công tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đã chia cắt đồng ruộng của các hợp tác xã thành hai bên. Qua vụ hè thu năm 2024, người dân phải di chuyển ngược lên hướng Tây rồi mới di chuyển ngược lại về đồng ruộng, đường đi rất xa, phức tạp và làm phát sinh chi phí vận chuyển. Đồng thời, việc bố trí số lượng cầu, cống thoát nước chưa phù hợp nên gây ngập úng các ruộng lúa ở hướng Tây của đường. Do đó, cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát việc bố trí các hầm chui, đường gom dân sinh cắt ngang qua tuyến đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa); nghiên cứu, có giải pháp liên quan đến việc bổ sung hầm chui tại điểm giao cắt giữa tuyến đường bê tông liên thôn Tường Quang - Ngọc Phong cũng như bổ sung thêm một số đường gom dân sinh, hệ thống thoát nước để đảm bảo thoát vào mùa mưa sau khi tuyến đường cao tốc hoàn thành không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực.
Đối với Bộ Nội vụ, cử tri kiến nghị tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/8/2023 có quy định Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cấp xã phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đại học trở lên; tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị hoặc tương đương trở lên. Tuy nhiên, thực tiễn quy định này rất khó thực hiện. Cử tri kiến nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, sửa đổi quy định trên cho phù hợp.
Cử tri kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đối với trường hợp người lao động bị sa thải khó tìm việc làm mới do người sử dụng lao động mới xem việc bị “sa thải” như một lý lịch không tốt để từ chối nhận người lao động vào làm việc. Do đó, cử tri đề nghị nghiên cứu, xây dựng quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này hoặc cơ chế kiểm soát phù hợp để tránh phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động liên quan đến người lao động đã bị sa thải, buộc thôi việc trước đó. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho phép lựa chọn, thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa cho một khối học và không thể sử dụng lại cho các lớp sau gây lãng phí rất lớn nguồn lực cho xã hội. Cử tri tiếp tục kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành một bộ sách giáo khoa dùng chung cho tất cả một khối lớp học và các tập sách nâng cao (dùng riêng) để thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, tránh lãng phí. Kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Người lao động bị sa thải khó tìm việc làm mới, do người sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng lao động xem việc bị “sa thải” như một lý lịch không tốt để từ chối nhận người lao động vào làm việc; đề nghị nghiên cứu, xây dựng quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này, cho phép họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đầy đủ bằng chứng về việc bị từ chối nhận việc vì lý do đã bị sa thải, buộc thôi việc ở doanh nghiệp, đơn vị trước đó. Thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy vẫn còn một bộ phận người lao động bị treo quyền lợi về Bảo hiểm thất nghiệp do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn… Cử tri kiến nghị cần có các quy định cụ thể để giải quyết vấn đề nêu trên. Cử tri là đoàn viên, người lao động mong muốn tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% (bằng mức hưởng lương hưu tối đa) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp và hạn chế rút Bảo hiểm xã hội một lần của người lao động. Vì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay còn thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động…
Thùy Lâm