Chính trị

Ngày 06/01/1946 - ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa đất nước ta trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực và trên thế giới giành được độc lập từ ách thống trị của thực dân, thực sự trở thành một đất nước độc lập, một dân tộc tự do. Trước yêu cầu cấp bách của thời đại, cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước bầu đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa diễn ra vào ngày 06/01/1946, không chỉ là một bước tiến lớn trong quá trình xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà còn mang theo những khát vọng phát triển đất nước hùng cường.

Báo Quốc hội số ngày 06/01/1946 in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Ảnh tư liệu

Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; 1 trong 6 nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Sau đó, ngày 08/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân ta từ Bắc tới Nam, không phân biệt già trẻ, dân tộc, bất chấp sự phá hoại của nhiều thế lực, đã bỏ những lá phiếu đầu tiên. Giờ đây, ở một nước Việt Nam độc lập, cũng giống như các dân tộc tự do khác trên thế giới, người dân Việt Nam được quyền thể hiện quan điểm, được lựa chọn những đại biểu nhân dân, đại diện của mình, góp phần vào quá trình quyết định chính sách và tương lai của đất nước. Trong đợt bầu cử, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%; đã bầu ra 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% đại biểu không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số. Đây là những con số ý nghĩa đối với một dân tộc lần đầu tiên được hưởng bầu không khí độc lập, tự do, hạnh phúc.

Nhưng, tất cả kết quả chói lọi ấy không phải có được một cách dễ dàng. Công tác chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra rất khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài; trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội hết sức khó khăn, đất nước đang phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm… Càng hiểu rõ những khó khăn, vất vả trong tổ chức ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, chúng ta càng thấu hiểu, biết ơn những giá trị mà các thế hệ cha ông đã đổ xương máu để có được, vì tương sai tươi sáng của dân tộc. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đánh dấu một mốc son chói lọi của tiến trình xây dựng thể chế dân chủ, có ý nghĩa lớn lao đối với lịch sử Việt Nam khi đánh dấu những bước đi đầu tiên của đất nước trên con đường xây dựng một xã hội độc lập, tự do, dân chủ và công bằng.

Quang cảnh Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV

Đất nước ta hôm nay, “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đất nước đã hội tụ đủ các yếu tố về thế và lực để viết tiếp những trang sử mới, bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, mà điểm khởi đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu; trăm triệu người dân Việt Nam, muôn người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá.

Tinh thần độc lập dân tộc của cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 giờ đây phải được đặt ở tầm cao trong bối cảnh mới; giờ đây, độc lập không chỉ là độc lập về lãnh thổ, lãnh hải, mà còn là độc lập về văn hóa, tinh thần, giáo dục, kinh tế và cả trên không gian mạng. Mỗi con người Việt Nam phải cố gắng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, nhiệt huyết hơn nữa để khẳng định bản lĩnh, tinh thần Việt Nam ở kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phú Lâm