Trong các phát biểu gần đây tại nhiều diễn đàn, Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh rằng Chuyển đổi số (CĐS) là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đóng vai trò là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất và cải thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới từ năm 2026.
“Chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại” - Tổng bí thư Tô Lâm.
Chỉ đạo chiến lược, cả hệ thống chính trị vào cuộc
Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CM4.0). Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam công bố chương trình CĐS quốc gia do người đứng đầu Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. 5 năm qua, cả nước đã thực hiện nhiệm vụ mới này với những kết quả mang tính tiền đề trên tất cả các lĩnh vực.
Ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia. Đây là nghị quyết rất quan trọng, tích hợp các nhiệm vụ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Theo Tổng Bí thư, CĐS không chỉ là sự đổi mới về công nghệ mà còn là một phương thức sản xuất mới, hiện đại, giúp Việt Nam vượt qua những thách thức trong giai đoạn mới của cuộc CM 4.0. Đặc biệt, Tổng Bí thư khẳng định: Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tăng cường sức mạnh kinh tế và nâng cao đời sống của người dân thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), và điện toán đám mây (cloud computing). Đã đến lúc Việt Nam cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới, với nền kinh tế số và xã hội số tiên tiến. Những định hướng chiến lược mà Tổng Bí thư đề ra bao gồm: cải thiện hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua số hóa, thúc đẩy giáo dục kỹ thuật số và kỹ năng số cho lực lượng lao động, tăng cường quản lý, an ninh mạng để đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn trong quá trình CĐS. Những định hướng này không chỉ giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao vị thế quốc tế của đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Nhiệm vụ quan trọng của CĐS đã được khẳng định, không chỉ mang tính chiến lược, mà còn là yếu tố quyết định cho sự thành công của các mục tiêu phát triển bền vững, khi Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 (GDP đạt khoảng 500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người từ 3.400 đến 4.650 USD)
Nhân lực cho CĐS, một vấn đề đang đặt ra . Ảnh minh họa
Tiếp cận của thế giới và hướng đi của Việt Nam
Các quốc đều có cách tiếp cận riêng đối với CM 4.0
Các nước phát triển thường chỉ quan tâm đến một một khía cạnh. Anh nhấn mạnh đến kinh tế số để giải quyết bài toán duy trì vị trí trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Mỹ nhấn mạnh đến công nghệ lõi, chip bán dẫn và nền tảng số xuyên biên giới để giải quyết bài toán duy trì sự ảnh hưởng toàn cầu về công nghệ số. Đức quan tâm đến sản xuất thông minh để giải quyết bài toán duy trì vị trí dẫn đầu về công nghiệp cơ khí. Đối với các nước đang phát triển, xu hướng chung là CĐS toàn diện nhưng cũng có những lĩnh vực ưu tiên. Nhật Bản quan tâm đến xã hội thông minh để giải quyết bài toán già hóa dân số. Singapore đặc biệt quan tâm đến Quốc gia thông minh để giải quyết bài toán phát triển toàn diện. Trung Quốc chú trọng ứng dụng, dữ liệu, AI, Internet công nghiệp để giải quyết bài toán CĐS trở thành cường quốc. Thái Lan quan tâm cả kinh tế số - xã hội số để giải quyết bài toán xây dựng một Thái Lan số…
Cách tiếp cận của Việt Nam là CĐS toàn dân, toàn diện, do Đảng lãnh đạo trực tiếp; là cuộc cách mạng của toàn dân, tiến hành chuyển đổi toàn diện mọi lĩnh vực và mọi mặt của đời sống xã hội; có sự tham gia của cả hệ thống chính trị; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự phát triển vượt bậc của quốc gia làm đích đến. CĐS của Việt Nam dựa trên 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số; tiến hành trên 5 lĩnh vực: Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Văn hóa, Môi trường. CĐS Việt Nam dựa trên hai nền tảng là hạ tầng số và dữ liệu số. Theo Tổng bí thư Tô Lâm “Dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số…”. Hạ tầng số phải được quan tâm và xây dựng trước một bước. Dữ liệu số là tài nguyên, là tư liệu sản xuất mới cần được giải phóng sức sản xuất thông qua việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ sở hữu, quản lý, xử lý, phân phối dữ liệu số.
Làm chủ công nghệ số, nhất là công nghệ lõi AI, Blockchain (công nghệ nằm trong kiểm soát của con người) là vấn đề mà CĐS Việt Nam rất quan tâm. Từ làm chủ ứng dụng công nghệ số tiến đến làm chủ công nghệ số. Hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực tự chủ cao, đạt tầm thế giới, có vai trò dẫn dắt CĐS.
Chính vì thế, cơ chế đột phá để đào tạo, thu hút nhân lực số, nhân tài số là vấn đề đặt ra cấp thiết, trước mắt. Phát triển nhân lực số, nhân tài số là thách thức không chỉ với các nước đang phát triển mà cả với các nước đã phát triển. Các nước phát triển như Mỹ cũng thiếu nhân lực cho CĐS và đang thu hút nhân lực số, nhân tài số của các nước đang phát triển. Nhiều quốc gia đã chọn CĐS lĩnh vực giáo dục, đào tạo là ưu tiên số 1 để phát triển nhanh nhân lực số. Việt Nam cũng đi theo hướng này với việc cho phép hình thành các đại học số, không cần nhiều giảng đường, giáo viên. Sinh viên có thể vẫn ở nhà, vẫn vừa giúp gia đình, vừa học đại học. Đại học số giúp nhiều người có thể học đại học. Đào tạo lại, đào tạo nâng cao về kỹ năng số thông qua các nền tảng đào tạo trực tuyến đại trà (MOOC) cũng là hướng đi Việt Nam đang làm. Đây là các nền tảng đào tạo số chất lượng cao, người học tự học, tự thi và được cấp chứng chỉ.
Tấn công, lừa đảo trên không gian mạng (KGM) là một vấn đề nhức nhối hiện nay. Năm 2024, cơ quan chức năng thống kê cho biết: đã xảy ra khoảng 659.000 vụ tấn công khác nhau nhằm vào các cơ quan, tổ chức, và doanh nghiệp. Cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo, thiệt hại ước tính trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng. Quả là một con số không nhỏ! Chính vì thế CĐS ở Việt Nam đặc biệt quan tâm đến bảo đảm an toàn thông tin, nhất là bảo vệ người dân trên KGM. Việt Nam hiện có hơn 125 triệu smartphone, máy tính bảng và 22 triệu thuê bao băng rộng cố định hầu hết chưa có giải pháp bảo vệ; người sử dụng hạn chế về nhận thức và kỹ năng số, an toàn gây ra hơn 90% nguy cơ mất an toàn an ninh mạng.
Thể chế cũng là vấn đề mà CĐS tại Việt Nam quan tâm. CĐS thì cần thể chế số, thể chế số phải theo kịp sự chuyển đổi và kiến tạo sự phát triển. CĐS là thay đổi cách thức vận hành, bởi vậy thể chế phải thay đổi trước để CĐS có thể phát huy hiệu quả. CĐS là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Thể chế không thay đổi thì các ứng dụng của CĐS không có “đất” phát triển. Thay đổi về thể chế luôn là thách thức lớn với các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Cách tiếp cận của Việt Nam là cho phép thử nghiệm có kiểm soát, tức kiểm soát rủi ro thông qua thử nghiệm cái mới trong một không gian, thời gian có giới hạn (Sandbox). Sau khi thử nghiệm thành công thì mở rộng. Học hỏi kinh nghiệm thành công về CĐS của các nước khác.
CĐS tại Việt Nam luôn gắn với công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đó chính là quá trình đưa toàn bộ hoạt động của nhà máy, xí nghiệp lên môi trường số và ứng dụng công nghệ số vào mọi khâu của quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tức thông minh hóa lĩnh vực sản xuất. Công nghiệp hóa trước đây chủ yếu là mua máy móc hiện đại mà ít chú trọng tới thay đổi vận hành, ít chú trọng tới sử dụng dữ liệu. Hiện đại hóa là ứng dụng công nghệ số để thông minh hóa các cơ sở hạ tầng kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường. CĐS là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
CĐS tại Việt Nam giúp giải quyết nhiều bài toán thiên niên kỷ của xã hội và bộ máy nhà nước, nhất là việc thực hiện tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đang triển khai quyết liệt hiện nay. Không CĐS bộ máy thì cồng kềnh, quan liêu, không tương tác với người dân, lãnh đạo không theo dõi, giám sát được cấp dưới, quyết định ít dựa trên dữ liệu…CĐS theo hướng đi của Việt Nam là toàn diện, cả người dân và chính quyền đều trên môi trường số. Vì thế cho phép tương tác, trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân, lãnh đạo có thể theo dõi, đánh giá năng lực, hiệu quả, giám sát kết quả công việc của cấp dưới, quyết định dựa trên dữ liệu. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nhấn mạnh: “bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của Đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác”.
CĐS cũng sẽ góp phần phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Vì chưa CĐS thì nhiệm vụ này thiếu công cụ giám sát toàn diện, trên không nhìn thấy dưới, bộ máy thanh tra, kiểm tra có hạn…Thực hiện CĐS thì đưa toàn bộ hoạt động bộ máy lên môi trường số để giám sát trực tuyến, toàn diện, cảnh báo, phát hiện sớm bằng trí tuệ nhân tạo. Ở cấp độ quốc gia, Chính phủ số sẽ đưa toàn bộ hoạt động Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và chính quyền các cấp lên môi trường số, tăng cường tương tác giữa chính quyền và người dân, giám sát trực tuyến và toàn diện, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Lĩnh vực xã hội, CĐS giúp phát triển xã hội số văn minh, phát triển các nền tảng số an toàn, tạo nhiều tiện ích số, phổ cập các dịch vụ số thiết yếu cho người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong giải quyết các vấn đề phát triển bao trùm, bền vững; triển khai các chương trình giáo dục số quốc gia, cung cấp tư duy số, kỹ năng số cho người dân, từng bước hình thành công dân số. Bảo đảm tính chính danh trên môi trường số. Xây dựng văn hóa số mang bản sắc dân tộc, đồng thời giữ gìn bản sắc dân tộc, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam trên môi trường số…
Yêu cầu đặt ra để đảm bảo thành công của CĐS tại Việt Nam là CĐS phải là trụ cột được tích hợp trong mọi kế hoạch phát triển KTXH, CĐS phải là nhiệm vụ quan trọng của các cấp chính quyền. Chúng ta tin tưởng với chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, năm 2025 sẽ là năm tạo những kết quả quan trọng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới từ đại hội XIV của Đảng.
Trần Thanh Hưng, TUV, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ