Cơ giới hóa trong nông nghiệp là một trong những yếu tố cốt lõi, nền tảng để thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế; giúp giảm chi phí, nhân công, nâng cao năng suất chất lượng và giảm phát thải, giảm tổn hại đến môi trường. Do đó, rất cần thiết phải đầu tư ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Nông dân thu hoạch lúa máy gặt đập liên hợp.
Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế: Mức độ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp mới tập trung ở một số khâu và chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, như: giao thông nội đồng, quy mô đồng ruộng còn nhỏ, phân tán, hệ thống tưới, tiêu chưa đồng bộ,..; chính sách tích tụ ruộng đất, hạn điền, tín dụng, hỗ trợ liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đủ mạnh và rộng; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong việc ứng dụng cơ giới hóa, chưa hình thành được nhiều các tổ hợp tác trong phát triển cơ giới hóa nông nghiệp ở từng địa phương;…
Tại tỉnh Phú Yên, nhìn chung, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chú trọng nhưng chưa đồng bộ và rộng khắp, tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, vận chuyển (tỉ lệ áp dụng trên 95%); khâu tưới nước chủ động được áp dụng trên cây lúa (tỉ lệ áp dụng 90%); khâu thu hoạch chủ yếu áp dụng đối với cây lúa (tỉ lệ hơn 95%), đã đưa máy móc vào khâu thu hoạch mía nhưng chưa nhiều; tỉ lệ áp dụng máy cơ giới ở các khâu gieo trồng, bón phân, sấy vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân chính là do diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún. Do vậy, việc cơ giới hóa trong nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhất là trong khâu gieo trồng.
Diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp với chủ đề: "Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên" tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức. Tại Diễn đàn các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc hiện nay trong ứng dụng thiết bị cơ giới hóa vào sản xuất, đó là :
1.Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ (đất đai, giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng; hạ tầng công nghệ...) và đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tập trung hóa đất đai xây dựng cánh đồng lớn, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với máy móc, thiết bị cơ giới hoá.
2. Đẩy mạnh chuyển giao máy móc sản xuất nông nghiệp, trong đó, trọng tâm là khuyến khích phát triển các tổ hợp tác, tổ dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.
3. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ cơ giới hoá nông nghiệp. Sử dụng công nghệ 4.0 điều khiển các máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp.
4. Phát triển cơ giới hoá đồng bộ phù hợp với từng vùng sản xuất với quy mô lớn gắn với tổ chức sản xuất và theo chuỗi giá trị nông sản và tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao và kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
5. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi tư duy, thúc đẩy, nhân rộng việc ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp tự động hoá và nông nghiệp số.
Hoàng Văn (Hội Nông dân tỉnh)