Chính trị

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 sắp có hiệu lực thi hành

Thực hiện Kết luận số 119-KL/TW ngày 20/1/2025 của Bộ Chính trị về định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã tiếp tục đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xây dựng và vận hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Quang cảnh kỳ họp bất thường lần thứ chín của Quốc hội khóa XV

Theo đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định cụ thể đặc trưng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và xác định cụ thể yêu cầu, tiêu chí xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Thể chế hóa vấn đề này, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam; quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền của Đảng cho ý kiến về định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, cho ý kiến về dự thảo văn bản và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp đặc biệt..

Bên cạnh đó, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 quy định ngắn gọn hơn, phân định rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy, cụ thể: Luật chỉ quy định cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước, nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và văn bản liên tịch; Giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương. Với cách làm này, Luật chỉ quy định những vấn đề chung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do đó đã gọn hơn, với 72 điều (giảm 101 điều tương ứng với 58,4% số điều so với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Mặt khác, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 đã bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã để bảo đảm thống nhất với nội dung đề xuất nêu tại đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật mà Đảng đoàn Quốc hội đã trình Bộ Chính trị. Đồng thời thay đổi 01 hình thức từ Quyết định Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành sang hình thức Thông tư. Theo đó, Luật mới có 25 hình thức văn bản quy phạm pháp luật (giảm 01 hình thức) và do 14 chủ thể có thẩm quyền ban hành (giảm 02 chủ thể) so với hiện hành. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 cũng bổ sung quy định Chính phủ ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để kịp thời giải quyết vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà nước và quy định giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Chính phủ.

Ngoài ra, Luật đã quy định đổi mới việc xây dựng chương trình lập pháp của Quốc hội theo hướng vừa có chiến lược, định hướng dài hạn, vừa mang tính linh hoạt cao, bám sát thực tiễn cuộc sống, tách quy trình làm chính sách với việc lập chương trình lập pháp hằng năm. Trên cơ sở định hướng lập pháp nhiệm kỳ và Chương trình lập pháp hằng năm, Chính phủ và các cơ quan trình sẽ chủ động phân công, chỉ đạo việc lập đề nghị, soạn thảo các dự án luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi Chính phủ và các cơ quan trình dự án luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sẽ thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; các dự án luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng sẽ được bố trí vào Chương trình Kỳ họp của Quốc hội. Luật quy định đơn giản, hợp lý hơn về quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo (quy phạm hóa chính sách). Với tinh thần mỗi nhiệm vụ chỉ giao cho một chủ thể chủ trì và chịu trách nhiệm, Luật đã phân định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội trong quy trình xây dựng pháp luật. Theo đó, Chính phủ làm đúng vai là cơ quan trình dự án luật và chịu trách nhiệm đến cùng với dự án luật do mình trình; Quốc hội là cơ quan lập pháp, có quyền thông qua hoặc không thông qua dự án luật do Chính phủ trình. Cách làm này sẽ giúp bảo đảm chất lượng văn bản Luật và tạo thuận lợi trong khâu tổ chức thi hành, bảo đảm sự gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành Luật. Ngoài quy trình thông thường, để đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải quyết những yêu cầu cấp bách của thực tiễn, Luật quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy trình rút gọn và trong trường hợp đặc biệt. Trong đó, đối với quy trình rút gọn, Luật quy định rõ thời điểm đề xuất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn là trước hoặc trong quá trình xây dựng chính sách hoặc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; mở rộng các trường hợp được áp dụng thủ tục rút gọn đối với thông tư và giao Bộ trưởng tự quyết định, chịu trách nhiệm về việc áp dụng thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành thông tư.

Để tổ chức thi hành Luật hiệu quả, theo sự phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng 03 Nghị định hướng dẫn thi hành các nội dung có liên quan, trong đó có quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Các Nghị định này sẽ được Chính phủ ban hành trong tháng 3/2025 để bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng với thời điểm hiệu lực của Luật (từ ngày 01/4/2025)…

Thùy Lâm