Sinh ra trong bối cảnh nước mất, nhà tan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cho lý tưởng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Nhân dân. Tư duy chính trị sắc bén, bản lĩnh kiên cường và khát vọng cháy bỏng vì Nhân dân, đất nước đã đưa Người trở thành biểu tượng của thời đại, không chỉ với Việt Nam mà còn với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Tàu Amiral Latouche Tréville, nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước (6/1911). Ảnh tư liệu
Hành trình tìm đường cứu nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, sau đổi tên Hồ Chí Minh), sinh ngày 19/5/1890 tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến sự đàn áp dã man của thực dân Pháp, chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Ngày 5/6/1911, với tên Nguyễn Tất Thành, Người rời bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước.
Từ lao động tay chân đến nghiên cứu chính trị, Hồ Chí Minh vừa hòa mình vào cuộc sống của người lao động, vừa tiếp cận những tư tưởng tiến bộ nhất của thời đại. Năm 1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Versailles, yêu cầu các quyền dân tộc cơ bản cho Việt Nam. Năm 1920, Người tham gia Đại hội Tua và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đây là bước ngoặt quan trọng trong việc lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho dân tộc.
Kiến tạo lý luận và tổ chức cho cách mạng Việt Nam
Trong những năm 1920 - 1930, Nguyễn Ái Quốc hoạt động sôi nổi trong phong trào cộng sản quốc tế, kiên trì truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Người sáng lập tờ báo “Người cùng khổ”, tham gia Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và có mặt trong các tổ chức nòng cốt của Quốc tế Cộng sản. Năm 1925, Người xuất bản tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, một bản cáo trạng đanh thép vạch trần bản chất tàn bạo của chủ nghĩa thực dân; để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản tại Việt Nam, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.
Đến tháng 02/1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, ba tổ chức cộng sản tại Việt Nam (Đông Dương Cộng sản Đảng; An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) được hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quyết định, đặt nền móng lý luận, tổ chức và đường lối cho cách mạng Việt Nam.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh học tập, quán triệt và triển khai thực hiện chuyên đề năm 2024 - 2025 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII”
Người lãnh đạo cách mạng và kháng chiến
Năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, triệu tập Hội nghị Trung ương 8, định hướng chiến lược đấu tranh giải phóng dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Người, Mặt trận Việt Minh được thành lập, lực lượng vũ trang được tổ chức và phong trào cách mạng lan rộng. Thành quả của quá trình ấy là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không dừng lại ở đó, Người tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc đầu tiên, bầu Quốc hội khóa I, thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta và được bầu làm Chủ tịch nước.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đập tan âm mưu xâm lược của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng. Tại Đại hội II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối đúng đắn, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam giành thắng lợi vang dội bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (1954) đưa miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo Nhân dân thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Tại Đại hội III của Đảng (1960), Người tiếp tục được tín nhiệm giữ cương vị Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người không chỉ là linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc mà còn là người trực tiếp hoạch định đường lối kháng chiến đúng đắn, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và khát vọng độc lập, thống nhất trong lòng nhân dân. Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì xây dựng chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, hợp tác, làm sâu sắc thêm tình đoàn kết quốc tế và lan tỏa tinh thần cách mạng Việt Nam ra toàn thế giới.
Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên phát hành
Di sản bất tử
Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho cả dân tộc và bạn bè quốc tế. Bản Di chúc Người để lại là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có đã suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục soi sáng cho con đường cách mạng của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là linh hồn của các cuộc cách mạng Việt Nam, mà còn là biểu tượng của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, chí khí kiên cường và khát vọng cháy bỏng vì một Việt Nam độc lập, hạnh phúc, hòa bình và phát triển. Tên tuổi, tư tưởng và di sản của Người sẽ mãi mãi là ánh sáng soi đường cho dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
BV