Quốc phòng an ninh

Kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 trên địa bàn tỉnh Phú Yên

UBND tỉnh Phú Yên vừa có báo cáo kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 (từ ngày 01/10/2023 đến ngày 30/9/2024) trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

8 bị can bị khởi tố liên quan đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng gần 1.000 tỉ đồng

Theo đó về cơ bản, những nhiệm vụ, chỉ tiêu giao tại Nghị quyết số 96/2019/QH14, ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, UBND tỉnh đều thực hiện đạt và vượt như: Tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt 85,3% (vượt 10,3%); tỷ lệ điều tra án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,6% (131/137 vụ, vượt 5,6%). Bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ, không để xảy ra trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phạm nhân trốn, chết không do bệnh lý trong cơ sở giam giữ.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trên lĩnh vực công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2024. Qua công tác triển khai thực hiện đã nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh của quần chúng Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật được chú trọng thực hiện, coi đây là biện pháp mang tính cơ bản, chiến lược, lâu dài. Đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền Nhân dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật bằng nhiều hình thức phù hợp. Xây dựng 1.165 lượt tin, bài phóng sự đăng tải phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức 60 buổi tuyên truyền, phát hơn 11.400 tờ rơi tuyên truyền kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy và phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, các kỹ năng cơ bản về phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường.

Đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng, duy trì hoạt động 499 điểm mô hình/33 loại mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, trong đó mô hình “Hòa giải tại cơ sở” của xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa được Bộ Công an thông báo nhân rộng toàn quốc; xây dựng các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”... Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo, huy động các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác bảo đảm ANTT, hỗ trợ lực lượng Công an trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở. Chủ động theo dõi, quản lý số đối tượng có nguy cơ phạm tội cao (như: đối tượng có biểu hiện hoạt động lưu manh, côn đồ, thanh thiếu niên hư, càn quấy, người nghiện ma túy...); phối hợp các cơ quan chức năng nắm tình hình các dự án đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, kịp thời phát hiện, giải quyết ổn định các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ANTT, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường các biện pháp phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực giao thông đường bộ, ô nhiễm môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, cháy nổ và tệ nạn xã hội. Lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 57.120 vụ việc, 57.252 đối tượng, tổng số tiền phạt gần 57 tỷ đồng.

 Trên địa bàn tỉnh xảy ra 488 vụ phạm tội xâm phạm trật tự xã hội (tăng 17,9% so với năm 2023), trong đó tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng 90 vụ (chiếm 18,4% số vụ phạm tội). Kết quả đã điều tra, làm rõ 395/488 vụ, đạt tỷ lệ 80,9%. Tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra 90 vụ (giảm 3,23% so với năm 2023), tuy giảm về số vụ nhưng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm tội về trật tự xã hội (chiếm 18,4%). Tội phạm đánh bạc và gá bạc phát hiện 32 vụ (giảm 8,6% so với năm 2023). Tội phạm chống người thi hành công vụ xảy ra 05 vụ (giảm 16,7% so với năm 2023), hành vi các đối tượng rất manh động, liều lĩnh, sử dụng hung khí, phương tiện giao thông tấn công gây thương tích cho lực lượng thi hành công vụ. Tội phạm gây rối trật tự công cộng xảy ra 08 vụ, 40 đối tượng (giảm 02 vụ, 12 đối tượng so với năm 2023). Nổi lên là tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên thông qua mạng xã hội để lôi kéo, tụ tập, sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, nhiều vụ có hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, an toàn xã hội.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát hiện 43 vụ phạm tội về kinh tế, tham nhũng (tăng 24 vụ so với năm 2023), nổi lên là hành vi lợi dụng sự yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý tài chính để thực hiện hành vi lập khống chứng từ thanh toán, chiếm đoạt sử dụng mục đích cá nhân; trốn thuế, sản xuất, buôn bán hàng giả (dầu nhớt), hàng cấm (thuốc lá, pháo), cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đã tăng cường công tác đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, qua đó đã phát hiện 07 vụ phạm tội về môi trường (giảm 02 vụ = 22,2% so với năm 2023). Xử phạt vi phạm hành chính 72 vụ, với số tiền gần 1,1 tỷ đồng.

Tình hình tội phạm về ma tuý diễn biến phức tạp. Lực lượng Công an triển khai thực hiện hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma túy, bảo đảm ANTT, kết hợp với tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy. Qua công tác đấu tranh, đã phát hiện 87 vụ, 193 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 20 vụ, 46 đối tượng so với năm 2023), phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 114 vụ/160 đối tượng về các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến ma túy, phạt tiền 292,6 triệu đồng.

Hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ thông tin, mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là các hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thu thập, sử dụng trái phép thông tin cá nhân để mở tài khoản ngân hàng online, mua bán hàng hóa. Lực lượng Công an tăng cường công tác phòng ngừa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để người dân nêu cao cảnh giác, kịp thời phát hiện ngăn chặn tội phạm. Qua công tác đấu tranh, xử lý đã làm rõ nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, như: Công an tỉnh phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phá thành công Chuyên án đấu tranh với tội phạm thu thập, tàng trữ trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng xảy ra tại tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành phố khác (tàng trữ, thu thập thông tin trái phép khoảng 40.000 tài khoản, thu lợi bất chính trên 530 triệu đồng); đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố 05 bị can, với thành tích trên Công an tỉnh được lãnh đạo Bộ Công an khen thưởng.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đôi lúc hiệu quả mang lại chưa cao, như công tác phòng ngừa nghiệp vụ, phòng ngừa xã hội và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân có lúc chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao nên để xảy ra các vụ giết người, cố ý gây thương tích; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố chỉ đạt 84,3% (1.544/1.832 tin) chưa đạt yêu cầu Quốc hội giao phải trên 90%; Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm các cấp chưa thực sự huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, đặc biệt là ở cơ sở.

Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Các loại tội phạm sẽ gia tăng các hoạt động phạm tội, với những phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi và nguy hiểm hơn, có sự cấu kết, đan xen giữa các loại tội phạm, như tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; tội phạm về kinh tế, tham nhũng, nhất là tội phạm lợi dụng môi trường không gian mạng để hoạt động phạm tội. Tình hình trên đòi hỏi các cấp, các ngành, trong đó nòng cốt là lực lượng Công an phải triển khai toàn diện, đồng bộ các kế hoạch, biện pháp công tác phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp, giải pháp đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nâng cao tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố. Lực lượng Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đúng quy định của pháp luật; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra tội phạm, không để lọt tội phạm, oan sai; hạn chế đến mức thấp nhất số vụ án phải trả hồ sơ điều tra lại, điều tra bổ sung. Chú trọng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, đổi mới hình thức, nội dung về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật qua đó hỗ trợ lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đáp ứng yêu cầu công tác. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, quy chế, quy trình công tác trong các mặt công tác để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Khánh Hưng