Cùng với Đường mòn Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu “Không số” đã đi vào lịch sử dân tộc như một kì tích, một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Vượt sóng dữ, sự vây ráp của kẻ thù, hàng ngàn chuyến tàu đã chở vũ khí, đạn dược, thuốc men, nối liền hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, và viết nên huyền thoại của một dân tộc anh hùng. Trong đó, Bến Vũng Rô (Phú Yên) là một trong những mắt xích quan trọng.
Tàu 41 (Lữ đoàn 125) với 3 lần cập bến Vũng Rô, mang theo hàng trăm tấn vũ khí chi viện. Ảnh: chụp tại Khu Di tích lịch sử Vũng Rô
Trước yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, ngày 23/10/1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải thủy 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân. Với nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho cách mạng miền Nam, lực lượng của Đoàn ban đầu có 20 đồng chí, thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra, do đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Đoàn 759 đã nhanh chóng ổn định tổ chức và tích cực chuẩn bị nhân lực, phương tiện, bến bãi, trinh sát và thực nghiệm cho các chuyến đi vào Nam. Trung tuần tháng 8/1962, Quân ủy Trung ương thông qua Nghị quyết “Mở đường vận chuyển chiến lược biển”. Bắt đầu từ đây, Đoàn 759 bước vào một giai đoạn vận chuyển mới, với những chiếc tàu được hoán cải thành tàu đánh cá, không có số hiệu cố định, xen kẽ, trà trộn vào những đoàn tàu đánh cá của ngư dân địa phương.
Đồng hành với cán bộ, chiến sỹ “Đoàn tàu Không số” biến những điều không thể thành có thể, có công lao, sự hy sinh và chiến công to lớn của các lực lượng vũ trang và nhân dân các bến bãi đầu cầu thuộc các tỉnh thành trong cả nước, nhất là các tỉnh thành phía Nam. Mỗi lần đưa, đón tàu, cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các địa phương đã phải chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi sự phong tỏa, ngăn chặn, truy lùng, vây ráp, khủng bố dã man của kẻ thù, chiến đấu để bảo vệ người, tàu, hàng, bảo vệ bí mật con đường vận tải và chuyển hàng an toàn, kịp thời chi viện cho chiến trường.
Trong đó, chiến công mở bến Vũng Rô đón những con tàu “Không số” huyền thoại mãi mãi là biểu tượng cho tài trí, lòng quả cảm, ý chí sắt đá, và là niềm tự hào của Đảng bộ, quân, dân tỉnh Phú Yên.
Giữa năm 1964, phong trào đấu tranh ở Khu V phát triển mạnh mẽ, song gặp khó khăn là thiếu vũ khí. Việc cung cấp vũ khí cho Khu V trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Trong bối cảnh đó, Phân khu Nam, Tỉnh ủy Phú Yên nhận được điện chỉ thị của Trung ương giao nhiệm vụ chuẩn bị chọn bến bãi, phương án tiếp nhận để tiếp nhận vũ khí Trung ương chi viện cho 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk bằng đường biển tại Phú Yên. Việc chọn, mở bến phải tuyệt đối bí mật, khẩn trương; có điều kiện đón tàu và tiếp nhận, cất giấu, vận chuyển vũ khí, hàng hóa về căn cứ.
Tháng 7/1964, Ban Thường vụ Liên Tỉnh ủy III và Phân khu Nam tổ chức Hội nghị liên tịch tại Suối Phẩn (xã Hòa Mỹ, huyện Tuy Hòa 1; nay là xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa), để họp bàn chọn bến đón tàu từ miền Bắc chở vũ khí vào chi viện. Vịnh Xuân Đài và vịnh Vũng Rô là hai phương án được các đồng chí lãnh đạo đưa ra để chọn bến chuẩn bị đón tàu, đưa vũ khí vào đất liền và vận chuyển an toàn về hậu cứ.
Cuộc họp phân tích, vịnh Xuân Đài, Sông Cầu có địa thế tốt, nước sâu, tàu ra vào ẩn nấp thuận tiện. Các xã xung quanh vịnh có phong trào cách mạng khá, ta làm chủ liên hoàn. Thế nhưng bến vịnh Xuân Đài có nhược điểm là hành lang phía sau hẹp, vì vậy khi tiếp nhận một lượng hàng lớn, dân công đi về nhiều, khó có thể vượt qua các tuyến canh gác, theo dõi của địch.
Vũng Rô là một vịnh kín gió, có độ sâu tương đối lớn, đáy vịnh ổn định, lặng sóng, ngay dưới chân đèo Cả, thuộc xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa 1 (nay là xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa), vùng mới giải phóng. Địa hình ở đây núi non hiểm trở bao bọc, có nhiều điểm che khuất, có nhiều bãi như bãi Chính, bãi Chùa, bãi Lau, bãi Mù U…; nhiều hang núi, gộp đá lớn; có nhiều tuyến hành lang an toàn từ Vũng Rô, Hòa Hiệp, Hòa Xuân đi về phía Tây, là điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển cơ động quân và cất giấu, vận chuyển vũ khí, hàng hóa về vùng căn cứ, vùng giải phòng. Ngoài ra, tiêu núi Đá Bia (ban ngày), đèn Mũi Điện (ban đêm) thuận lợi cho việc xác định điểm chuyển hướng cuối cùng cho tàu vào bến. Về lực lượng và nhân lực thì Tuy Hòa thuận lợi hơn ở Sông Cầu. Tuy nhiên, nhược điểm của Vũng Rô là nằm sát đường quốc lộ, đường sắt và nằm trên tuyến đường hàng không, thường xuyên có phương tiện đi lại. Trên đỉnh đèo Cả, có bốt Pơ-tí của địch. Các đội hải thuyền của địch thường xuyên tuần tiễu trên biển. Bên cạnh đó, địa hình Vũng Rô trống trải, khó cất giấu tàu khi cần lưu lại, chỉ có một cửa ra vào nên khi có sự cố, địch huy động lực lượng nhanh chặn cửa vịnh thì tàu ta khó thoát ra được.
Sau khi xem xét, cân nhắc, đánh giá các yếu tố về địa hình, vị trí địa lý, tình hình địch, ta, hội nghị thống nhất chọn Vũng Rô làm bến để đón tàu vào. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền đã thay mặt Liên Tỉnh ủy III, Tỉnh ủy Phú Yên, Huyện Tuy Hòa 1 nhận nhiệm vụ tổ chức bến, hành lang và lực lượng bảo vệ để đón tàu vào và tiếp nhận cất giấu, vận chuyển vũ khí, hàng hóa về căn cứ. Tại cuộc làm việc với Huyện ủy Tuy Hòa 1 và các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân để triển khai công tác mở bến, đồng chí Trần Suyền quán triệt: Chúng ta cần chuẩn bị lực lượng để nhận vũ khí trung ương chi viện. Nhận như thế nào, ở đâu thì sẽ biết sau. Việc ai làm, người ấy biết, làm đến đâu biết đến đó. Không được tìm hiểu những việc không phải nhiệm vụ của mình.
Đảng viên, đoàn viên, quần chúng giác ngộ cách mạng ở các xã được đưa vào danh sách, phân loại, chia làm nhiều bộ phận để chuẩn bị điều động phục vụ công tác bến bãi, chuyển hàng. Công tác bảo vệ và xây dựng tuyến hành lang an toàn vận chuyển vũ khí ra tuyến sau được gấp rút triển khai. Hai xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân đã huy động cả ngàn lượt dân công để vận chuyển vũ khí từ tàu xuống bến, từ bến về kho tạm, từ kho tạm về kho ở hậu cứ và tiếp tục vận chuyển đến các chiến trường.
Nhằm đảm bảo đường sá thường xuyên thông suốt, nhiều tuyến đường bí mật được chuẩn bị, tất cả các đường đầu mối đều quy về kho hậu cứ Hòa Thịnh: Đường thứ nhất: từ bãi Chùa lên phía nam Đá Bia qua quốc lộ 1, lên hướng Trại Thơm ra Trại Gộp đến Suối Cùng, Cỏ Ống (xã Hòa Thịnh). Đường thứ hai: từ bãi Tiên xuyên lên bắc Đá Bia qua hóc Mít vượt đường sắt, qua đồng ruộng và quốc lộ 1, lên đồng Nẩy, đồng Khôn xuyên đường rừng lên suối Cùng, Cỏ Ống (xã Hòa Thịnh). Đường thứ ba: đường đi ngoài đồng, cạnh xóm làng, từ xóm Mới, thôn Lạc Long sang đầu thôn Phước Giang lên đường sắt (cách cầu Sông Tra khoảng 3 km và ga Thạch Tuân 7 km), qua cạnh xóm Mỹ Khê lên núi Hiềm đến Hóc Môn - Nam Bình (xã Hòa Xuân), qua eo núi đồng Lão đến đồng Mọi (xã Hòa Tân). Tuyến đường thứ ba này hoàn toàn đi vào ban đêm, ngoài đồng, rìa làng, không đèo, không dốc nên được sử dụng suốt đợt vận chuyển vũ khí Vũng Rô, các đường khác làm đường dự bị.
Phương tiện ghe thuyền nhỏ được xã Hòa Hiệp huy động để trung chuyển hàng từ bến tàu theo đường biển di chuyển sát gành đá lên hóc Chỗ, bãi Xép, đưa vào kho chính ở hang Vàng. Xuồng, sõng được sử dụng để vận chuyển hàng đi từ xóm Mới (Lạc Long) theo sông Con qua cầu Sắt lên cầu sông Tra - quốc lộ 1, từ đó dân công chuyển tiếp, mỗi đợt từ 1 đến 2 tấn. Trường hợp nước cạn (đoạn cầu sông Tra) thì tập kết hàng ở gò Tây để dân công tiếp tục chuyển bộ. Khi gặp địch, không lên được phải lui về chôn hàng ở các cồn cát dọc bờ sông Lạc Long, trại ông Thức.
Hai hệ thống kho cũng được chuẩn bị, bao gồm: Kho tạm dọc ven núi để phân tán cất giấu tạm: khu vực suối Lim - làng Thượng và khu vực suối Môn (hang Vàng); Kho chính ở hậu cứ Hòa Thịnh có các kho Cỏ Ống, suối Lạnh, suối Cùng và ở hậu cứ Hòa Mỹ có các kho bến Đá, Suối Phẩn do Quân khu quản lý.
Đồng thời, để chuẩn bị đón các chuyến tàu Không số, các tổ điện đài, cơ yếu, các đội dân công, các đơn vị bảo vệ bến như K60 được thành lập; ngoài ra, K64 thuộc Đoàn 83 cũng được tăng cường cho địa phương.
Đêm ngày 28/11/1964, chuyến tàu đầu tiên cập bến Vũng Rô. Tàu 41 anh hùng do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh - một người con ưu tú của quê hương Phú Yên và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy, cập bến, với hơn 60 tấn vũ khí, thuốc chữa bệnh từ đồng bào miền Bắc XHCN gửi cho quân và dân miền Nam. Tàu rời miền Bắc mang theo niềm tin hy vọng về ngày thống nhất, Bến miền Nam kỹ càng chuẩn bị các phương án đợi đón tàu và tiếp nhận, vận chuyển vũ khí. Giây phút gặp nhau, thuyền, bến nghẹn ngào khôn xiết. “Điều ngỡ chỉ có trong tưởng tượng đang hiển hiện trước mặt. Như trong thần thoại, con tàu tựa có phép lạ từ xứ sở xa xăm nào đó bỗng dưng xuất hiện. Nó mang theo nhiều hòm, nhiều bó với những súng những đạn... Người Phú Yên đã thực sự đang cầm khẩu súng trên tay mà vẫn chưa dám tin đó là thật”[1].
Những thùng hàng đầu tiên được bốc lên từ bãi Chính. 3 giờ sáng ngày 30/11/1964, Tàu 41 rời bến an toàn, từ đây, bến Vũng Rô chính thức ghi tên mình vào con đường vận chuyển chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Sau chuyến thứ nhất, bến Vũng Rô tiếp tục tổ chức đón thành công 2 chuyến của Tàu 41 vào các ngày 25/12/1964 và 01/02/1965.
Nơi Tàu 143 bị đánh đắm ở khu vực bãi Chùa, Vũng Rô
Ngày 01/02/1965, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Hải quân, trực tiếp là Đoàn 125 giao nhiệm vụ cho Tàu 143 (do thuyền trường Lê Văn Thêm phụ trách) chở 63 tấn hàng vào Bình Định. Song do tình hình bến Bình Định khó khăn, tàu không vào được bến nên Sở Chỉ huy quyết định không cập bến theo dự kiến và điện cho HB16 (bến Vũng Rô) chuẩn bị tiếp nhận chuyển hàng ngoài kế hoạch vào Vũng Rô.
Nhận lệnh bất ngờ, ngày 14/02/1965, các lực lượng được huy động khẩn trương chuẩn bị đón chuyến tàu thứ tư. Đêm 15/02/1965, Tàu 143 cập bến Vũng Rô. Do bãi Chính mới nhận xong hàng hóa, vũ khí từ chuyến thứ ba của Tàu 41, vị trí cất giấu hạn chế, để phân tán hàng vào bến, Ban Chỉ huy bến quyết định cho xuống hàng tại bãi Bàng. Ngay trong đêm, lực lượng bến đã nỗ lực, khẩn trương bốc dỡ hàng. Tuy nhiên, Tàu 143 lại bị hỏng tời neo, khi sửa xong thì trời hửng sáng, không còn đủ thời gian rời bến, buộc phải trú lại. K60 cử lực lượng cùng với thuyền viên Tàu 143 bảo vệ tàu.
Dù đã được ngụy trang cẩn trọng, nhưng đến 10 giờ 30 phút sáng ngày 16/02, một chiếc UH1B của địch bay từ Quy Nhơn vào Nha Trang, khi đi ngang vùng biển Vũng Rô, viên phi công nhìn thấy “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía Tây Vũng Rô” nên đã báo tin về Bộ Chỉ huy Vùng Duyên hải 2 của Hải quân Mỹ đóng ở Nha Trang. 11 giờ sáng, địch điều máy bay trinh sát đến Vũng Rô, và nhanh chóng nhận ra sự khác biệt giữa các tấm ảnh chụp ngày 16/02/1965 với các tấm ảnh trước đó. Máy bay trinh sát của địch liên tục bay về hướng Vũng Rô. Nhận định nhiều khả năng Tàu 143 bị lộ, Ban Chỉ huy bến cho dừng công tác vận chuyển, lực lượng dân công tiếp tục ngụy trang hàng, phối hợp cùng lực lượng K60 khẩn trương triển khai nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu.
Chiều ngày 16/2/1965, 2 chiếc AD6, theo dẫn dắt của máy bay trinh sát, ném hàng loạt bom xăng xuống khu vực bãi Chùa. Lá ngụy trang bị cháy, Tàu 143 bị lộ, một phần tàu chìm xuống biển. Lúc này, địch điều động thêm một đại đội của Sư đoàn 23 ở Tuy Hòa vào Vũng Rô; các đơn vị thuộc “nhóm ven biển 24”, đội Hải cẩu (SEAL) của hải quân ngụy cũng được lệnh hỗ trợ. Trước tình hình ngày càng xấu đi, quyết định phá hủy tàu, xóa dấu vết được đưa ra. Đồng chí Vũ Long An cùng một thủy thủ nhận lệnh ra tàu sử dụng 500 kg TNT bố trí sẵn trong khoang máy để cho nổ, xóa bỏ dấu vết không cho địch lấy tàu. Nhưng do tàu bị bom địch đánh nghiêng hẳn sang một bên nên hai đồng chí không thể vào được bên trong khoang máy. Chỉ huy bến phải đề nghị lực lượng bến dùng bộc phá đánh trên khoang máy. Địch quần thảo suốt đêm.
Sang đến đêm 17/02, một tiểu đội công binh thuộc Quân khu được phái xuống dùng thuyền chở một lượng thuốc nổ khoảng 600 - 700 kg ra phá hủy tàu. Xác con tàu Không số chìm xuống Vũng Rô cho đến ngày nay.
Từ ngày 18/02/1965, máy bay khu trục, trực thăng vũ trang địch tiến hành bắn phá nhiều đợt, địch cho quân đổ bộ lên Bãi Bàng, Bãi Chính. Các đơn vị bộ đội, du kích bến và Hải quân Tàu 143 đánh địch quyết liệt ở bãi Chính từ chiều và đêm 18/02 đến suốt ngày 19/02. Nhận định sau khi đổ bộ lên bãi Chính địch sẽ càn quét ra bãi Xép, Ban chỉ huy bến chủ trương để lại một bộ phận nhỏ bộ đội và du kích tiếp tục chiến đấu ở bãi Chính, bãi Chùa; các đơn vị của K60, K64 rút về bố trí đánh địch ở bãi Xép, Bùng Binh bảo vệ kho; lực lượng bảo vệ kho được lệnh sẵn sàng chiến đấu, khi thấy không giữ được thì phá hủy kho. Dựa vào thế núi hiểm trở, bộ đội, du kích kiên cường chặn đánh không cho địch tiến vào hang Vàng. Cuộc chiến đấu tại Bãi Xép, Bùng Binh, hang Vàng rất ác liệt, ta buộc phải dùng thuốc nổ huỷ kho. Số vũ khí còn lại ở các hang, gộp đá được dân công Hoà Xuân, Hoà Hiệp tiếp tục vận chuyển về tuyến sau.
“Sự kiện Vũng Rô” là khúc bi tráng trong lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau sự kiện Tàu 143 bị lộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương chỉ thị ngừng ngay việc vận chuyển bằng đường biển vào miền Nam, rút kinh nghiệm sâu sắc từ cơ quan cấp trên đến đơn vị cơ sở.
Hoạt động từ ngày 28/11/1964 đến đầu năm 1965, Bến Vũng Rô đã tiếp nhận và vận chuyển an toàn hàng trăm tấn vũ khí, hàng hóa, cung cấp hàng vạn khẩu súng, hàng chục tấn đạn, thuốc nổ, thuốc chữa bệnh. Nhờ đó, tạo điều kiện cho quân và dân 3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk đánh thắng Mỹ - ngụy trên chiến trường, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 18/6/1997, Bến tàu Không số Vũng Rô được Ðảng, Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia.
60 năm đã trôi qua, nhưng những chiến công anh hùng, hy sinh thầm lặng của lãnh đạo, thủy thủ “Đoàn tàu Không số” và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, nhân dân các bến đã dệt nên huyền thoại bất tử “Đường Hồ Chí Minh trên biển” mãi mãi là câu chuyện sáng ngời về tình đồng đội, sự tài trí, lòng dũng cảm, đức hy sinh, lưu danh trang sử vàng đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Đảng bộ, quân và dân Phú Yên mãi luôn tự hào, và khắc ghi lịch sử Bến Vũng Rô, một kỳ tích, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
H.A
[1] Tiểu thuyết Sóng Chìm của nhà văn lão thành Đình Kính