Chính trị

Hội thảo về Việt Nam tại trường đại học lớn nhất Mỹ Latinh

Hội thảo diễn ra ở Giảng đường Hồ Chí Minh - khoa Kinh tế Đại học UNAM, thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu, cùng nhiều tham luận sâu sắc về Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Lan/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mexico (19/5/1975-19/5/2025), ngày 29/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico và Đại học Tự trị quốc gia Mexico (UNAM) đã phối hợp tổ chức hội thảo mang tên “Việt Nam - Kỷ nguyên phát triển mới.”

Hội thảo diễn ra ở Giảng đường Hồ Chí Minh - khoa Kinh tế Đại học UNAM, thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu, cùng nhiều tham luận sâu sắc về hành trình vươn lên trở thành một trong những quốc gia đầy tiềm lực và vị thế trên trường quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Trưởng khoa Khoa kinh tế Đại học UNAM Lorena Rodríguez León nêu rõ trong bức tranh kinh tế đầy biến động của thế kỷ XXI, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu thành công đáng chú ý - không chỉ đối với châu Á mà còn là nguồn cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển ở Mỹ Latinh.

Từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới - một hành trình mang dấu ấn sâu sắc của bản lĩnh dân tộc, tầm nhìn lãnh đạo và sự bền bỉ của nhân dân.

Với tư cách là một học giả đến từ Mexico - một đất nước cũng đang không ngừng tìm kiếm mô hình phát triển hài hòa và bền vững, Giáo sư Lorena cho biết bà nhìn nhận sự chuyển mình của Việt Nam không chỉ dưới lăng kính kinh tế, mà còn như một biểu hiện sống động của quá trình tái thiết quốc gia dựa trên các giá trị độc lập, tự lực và hội nhập chủ động.

Triển lãm ảnh Việt Nam đất nước-con người trong khuôn khổ hội thảo. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Bày tỏ xúc động và vinh dự khi có mặt tại Giảng đường Hồ Chí Minh ở trường đại học có quy mô lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, Đại sứ Việt Nam tại Mexico Nguyễn Văn Hải cho biết hội thảo thêm phần ý nghĩa khi được tổ chức trong bối cảnh người dân Việt Nam đang tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa Việt Nam bước vào thời kỳ tái thiết và xây dựng đất nước.

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Hải, lịch sử của dân tộc Việt Nam là bản trường ca về ý chí kiên cường và khát vọng độc lập, tự do. Sau tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam đã phải mất gần 30 năm đấu tranh để hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước và bắt tay vào công cuộc tái thiết.

Vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam ngày nay đã khẳng định vị trí của một nền kinh tế phát triển năng động với quy mô của nền kinh tế và thương mại lần lượt ở Top 40 và 20 trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trung bình 6,5-7%/năm trong suốt gần 40 năm qua, quy mô kinh tế của Việt Nam đã tăng gần 100 lần so với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên gần 5.000 USD.

Sau gần 80 năm lập nước và gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam. Việt Nam xác định quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bứt phá 8% trong năm 2025 và trên 2 con số trong những năm tiếp theo; đưa đất nước trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Đề cập tới quan hệ song phương, Đại sứ Nguyễn Văn Hải nêu rõ trải qua gần 50 năm vun đắp, dựa trên những nét tương đồng về truyền thống văn hóa và lịch sử, gắn bó với nhau bởi tình hữu nghị và chia sẻ những giá trị chung về yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, công lý và bình đẳng, quan hệ Việt Nam-Mexico luôn thấm đậm tình hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau cả trên bình diện song phương và đa phương.

Đại sứ Nguyễn Văn Hải cho biết hiện nay quan hệ song phương đã mở rộng bao trùm tất cả các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao đến kinh tế-thương mại cũng như văn hóa-giáo dục và giao lưu nhân dân. Đặc biệt, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào cuối năm 2018, quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước, có những bước phát triển rất ấn tượng, góp phần đưa quan hệ song phương Việt Nam-Mexico ngày càng đi vào hiệu quả và thực chất.

Đồng tình với phát biểu của Đại sứ Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Hữu Động - người từng làm công tác thông tin tại Hội nghị Paris về Việt Nam cho biết trong bối cảnh bức tranh địa chính trị và kinh tế thế giới đang chứng kiến nhiều biến động sâu sắc, Việt Nam và Mexico - hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng trên nhiều khía cạnh – cần tăng cường hợp tác hơn nữa để cùng vững vàng trước những thay đổi của thời cuộc.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hữu Động - người Việt đầu tiên được Chính phủ Việt Nam giới thiệu làm việc cho Liên hợp quốc từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, với hàng chục năm công tác trên cương vị là chuyên gia giám sát bầu cử quốc tế tại hơn 40 nước cho đến khi về hưu tại Mexico, hai nước cần trao đổi trong việc tăng cường năng lực của lĩnh vực sản xuất trong nước, đồng thời khơi dậy sức mua dồi dào của thị trường trong nước.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Động kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối và tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là CPTPP mà Mexico và Việt Nam đều là thành viên.

Cắt băng khánh thành "Góc Việt Nam" tại khuôn viên thư viện. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Cũng trong khuôn khổ hội thảo “Việt Nam - Kỷ nguyên phát triển mới,” Đại sứ quán Việt Nam và lãnh đạo Đại học UNAM đã cắt băng khánh thành “Góc Việt Nam” và triển lãm ảnh tại khuôn viên thư viện trường nhằm quảng bá những nét lịch sử-văn hóa đặc sắc nhất của Việt Nam, cũng như cung cấp những thông tin cập nhật thông qua những ấn phẩm mới nhất của TTXVN.

Ngoài ra, tại không gian ẩm thực, khách mời và sinh viên còn có cơ hội thưởng thức những món ăn truyền thống của Việt Nam như nem cuốn, nem rán, cơm rang, nộm.

TTXVN/Vietnam+