Chính trị

Hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam-Bài 1: Giải phóng miền Nam - khao khát cháy bỏng của cả dân tộc

Hơn 20 năm thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), miền Bắc xã hội chủ nghĩa (XHCN) vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, vừa củng cố vững chắc căn cứ địa hậu phương của cả nước để tiến hành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Loạt bài điểm lại đóng góp to lớn của quân và dân miền Bắc XHCN đối với tiền tuyến miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần đưa cả dân tộc đến ngày thắng lợi huy hoàng.

Các nhân chứng lịch sử cùng các đại biểu về dự kỷ niệm 60 năm Phong trào "Ba đảm đang" dưới chân tượng đài "Đan Phượng - quê hương người gái đảm". Ảnh do địa phương cung cấp 

Chủ trương chiến lược của Đảng về giải phóng miền Nam

Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (tháng 7-1954), Trung ương Đảng đã sớm xác định nhiệm vụ xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960) của Đảng khẳng định: Tiến hành cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà. Thực tế 21 năm, nhất là giai đoạn 1965-1975 của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho thấy: Nếu đồng bào, chiến sĩ miền Nam trực tiếp đối mặt với kẻ thù thì miền Bắc hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương lớn. Đặc biệt, 10 năm (1965-1975) là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra vô cùng ác liệt. Cùng với đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đế quốc Mỹ phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc hòng chặn đứng sự chi viện của miền Bắc.

Trước tình hình đó, khắp nơi trên miền Bắc, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, sôi nổi và liên tục như Phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ đã thôi thúc hàng triệu thanh niên nam nữ tình nguyện gia nhập lực lượng vũ trang; hàng triệu người đăng ký đi đầu trên các mặt trận lao động sản xuất và chiến đấu. Cả miền Bắc hành động theo tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ngày đêm dồn sức chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.

Tìm về "Quê hương người gái đảm"

Giai điệu ca khúc “Hà Tây quê lụa” của nhạc sĩ Nhật Lai đưa chúng tôi về các xã Trung Châu, Song Phượng, huyện Đan Phượng, vùng đất ngoại thành phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, nơi từng là cái nôi của Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” hết sức sôi nổi, lan rộng khắp miền Bắc trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phong trào được khởi xướng bởi những người phụ nữ thôn quê giản dị nhưng kiên cường, bản lĩnh, mang trong tim tình yêu nước nồng nàn.

Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ ở thôn 9 Nại Sa, xã Trung Châu, bà Lê Thị Quýnh, 84 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Trung Châu những năm đánh Mỹ vẫn nhớ như in sự ra đời của Phong trào “Ba đảm đang” 60 năm trước trên quê hương Đan Phượng. Khi ấy, bà Quýnh mới 24 tuổi, một mình nuôi hai con nhỏ và mẹ già, chồng bà đi thanh niên xung phong. Sau khi các xã nghe phát động phong trào về, bà Quýnh cùng chị em trong xã triển khai ngay. Bà kể, thời kỳ đó, làm bất cứ phong trào gì khó khăn, vất vả, chị em phụ nữ đều gọi là “Ba đảm nhiệm”. Như xã Trung Châu không có ruộng, các bà, các chị phát động nuôi bèo hoa dâu, làm phân xanh, tăng gia sản xuất bảo đảm lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Ngày đi sản xuất, đêm về chị em lại tập luyện dân quân. Ai có chồng đi B lâu ngày hoặc chồng hy sinh, các chị tập trung giúp đỡ làm việc nhà, an ủi, đùm bọc.

Khởi nguồn từ Đan Phượng, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào nhanh chóng lan rộng toàn miền Bắc. Sau hơn hai tháng thực hiện, đến tháng 5-1965, toàn miền Bắc có hơn 1,7 triệu phụ nữ đăng ký thực hiện các nội dung của “Ba đảm đang”. Làn gió mới thúc đẩy thi đua lao động, sản xuất, bảo vệ quê hương trong giới nữ đã được các chị em khắp nơi hưởng ứng, thực hiện theo cách riêng của mình. Phụ nữ nông thôn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tích cực áp dụng khoa học để tăng diện tích và sản lượng lúa, chăn nuôi theo kỹ thuật mới. Phụ nữ khối công nhân viên chức thực hiện các phong trào thi đua sôi nổi như: “Ngày thứ bảy năng suất cao”; “Luyện tay nghề thi thợ giỏi”. Nhiều sáng kiến có giá trị được ứng dụng trong sản xuất...

Sức mạnh tinh thần từ "Chiếc gậy Trường Sơn"

Xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (trước đây), nay là xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội, nơi khởi nguồn của Phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có sức lan tỏa rộng rãi, kịp thời cổ vũ tinh thần các thế hệ thanh niên cả nước lên đường bảo vệ Tổ quốc. Những ngày đầu tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp đến tham quan Bảo tàng Quê hương Phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn", sát trụ sở UBND xã Hòa Xá (trước đây), được gặp gỡ, trò chuyện với các nhân chứng của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

 Chăm chú tham quan, ngắm nhìn những hiện vật, hình ảnh trưng bày trong Bảo tàng, cựu chiến binh Phùng Văn Mạnh (thôn Trung Hòa, xã Thái Hòa) không khỏi xúc động khi nhận ra mình và các đồng đội trong một bức ảnh chụp cảnh huấn luyện dân quân gần 60 năm về trước. Đã qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Mạnh vẫn nhanh nhẹn, mẫn tiệp và nhớ như in không khí luyện quân dự bị, huấn luyện dân quân để sẵn sàng chi viện sức người cho tiền tuyến miền Nam trên quê hương Hòa Xá năm xưa. Cựu chiến binh Phùng Văn Mạnh kể: Đầu thập niên 1960, theo đề xuất của các bô lão địa phương, 100% thanh niên trong xã Hòa Xá khi bước vào tuổi 16-17 được huấn luyện, rèn luyện sức khỏe như bộ đội (2 lần/tuần). Trước khi hành quân rèn luyện, các bậc cao niên trong làng và người thân sẽ chuẩn bị sẵn những chiếc gậy tre, gậy trúc để trao cho các bạn trẻ, vừa khích lệ tinh thần, vừa giúp các thanh niên giảm bớt mệt nhọc trong khi hành quân. Người già ở Hòa Xá mong muốn thông qua việc rèn luyện này để thanh niên địa phương có sức khỏe dẻo dai, tinh thần vững vàng, làm quen với khó khăn, gian khổ nơi chiến trường, sẵn sàng tâm thế lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Cuối tháng 7-1967, ngay khi những ca từ, giai điệu hào hùng trong bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nguồn cổ vũ, sức mạnh tinh thần vô giá động viên thanh niên cả nước hăng hái lên đường tòng quân giết giặc. Riêng Hòa Xá trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước luôn là một trong những địa phương đi đầu về phong trào tòng quân đánh giặc, xây dựng lực lượng dân quân du kích vững mạnh. Có 567 thanh niên Hòa Xá đã lên đường đi chiến đấu; 91 người hy sinh anh dũng trên các chiến trường; 114 người được tặng thưởng Huân chương Chiến công, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; 6 gia đình trong xã có 4 người con đi bộ đội; 11 gia đình có 3 người con ra mặt trận; 61 gia đình có 2 người con lên đường nhập ngũ.

Dù còn vô vàn khó khăn, gian khổ do chiến tranh tàn phá, nhân dân miền Bắc vẫn sẵn sàng “thắt lưng buộc bụng”, dồn mọi nguồn lực cho miền Nam. Từng đoàn thanh niên xung phong, bộ đội, kỹ sư, y, bác sĩ vượt Trường Sơn ra trận; từng chuyến hàng, từng tấn lương thực, thuốc men, đạn dược được chuyển vào chiến trường. Sự chi viện ấy không chỉ là vật chất mà còn là tình cảm sâu nặng, là niềm tin sắt đá, khát khao cháy bỏng của cả dân tộc về ngày thống nhất đất nước.

MINH SÁNG - HƯNG  KIỂM/QĐND