Ở bất kì một quốc gia nào, giáo dục luôn được đề cao và được xem quốc sách hàng đầu. Vì vậy, trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết :“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Thực hiện lời dạy của Bác, gần tám mươi năm qua bao thế hệ học sinh đã luôn cố gắng, nỗ lực ra sức học tập để xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Vị thế của nền giáo dục Việt Nam dần được khẳng định qua kết quả các kì thi quốc tế và những sáng tạo, phát minh có đóng góp lớn lao cho đất nước và nhân loại. Học sinh rất hứng thú với những kiến thức về khoa học kỹ thuật, công nghệ thay đổi từng ngày. Nhưng hiện nay có một thực tế đáng buồn là học sinh thiếu mặn mà với bộ môn lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng. Nhận thức được điều đó, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục đã đưa nội dung giáo dục địa phương vào dạy ở cả ba cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, nghệ thuật … của địa phương mình qua đó bồi dưỡng cho học sinh lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần xây dựng quê hương.
Đoàn trường THPT Trần Suyền tổ chức hoạt động trải nghiệm “Về nguồn” đến Vũng Rô, khu Di tích lịch sử Tàu Không số
Để thay đổi và bắt nhịp cùng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường đã nghiên cứu các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới để tăng cường hứng thú, đam mê học tập bộ môn lịch sử. Phương pháp tiếp cận lịch sử địa phương được nhiều nhà trường lựa chọn và áp dụng rất hiệu quả là tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm “Về nguồn” đến các địa chỉ đỏ của huyện, tỉnh. Hiện tỉnh Phú Yên có nhiều di tích lịch sử được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, cấp Quốc gia như: Nhà thờ Bác Hồ xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa; khu Di tích lịch sử Tàu Không số - bến Vũng Rô; di tích thành An Thổ thuộc xã An Dân, huyện Tuy An; Di tích lịch sử mộ và đền thờ Lê Thành Phương tọa lạc tại thôn Mỹ Phú, xã An Hiệp, huyện Tuy An; địa đạo Gò Thì Thùng thuộc thôn Xuân Thành, xã An Xuân, huyện Tuy An; di tích thành Hồ thuộc thôn Định Thọ, xã Hoà Định Đông, huyện Phú Hoà; Chùa Đá Trắng tại thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy; Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên tại khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân; Di tích khu Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh tại xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa; Tháp Nhạn tại thành phố Tuy Hòa… Đây là “những địa chỉ đỏ” không chỉ trở thành huyền thoại, niềm tự hào trong trái tim mỗi người dân Phú Yên mà còn là những địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.
Đoàn trường THPT Trần Suyền tổ chức hoạt động trải nghiệm “Về nguồn” đến thành An Thổ
Qua hoạt động trải nghiệm “Về nguồn”, học sinh được đến nơi các anh hùng, liệt sĩ đã được sinh ra, lớn lên, sống và chiến đấu anh dũng như thế nào. Những kiến thức lịch sử ấy khô khan trên giấy nhưng lại rất trực quan, sinh động và đầy cảm xúc khi các em được mắt thấy, tai nghe. Học sinh có dịp tìm hiểu rõ lịch sử địa phương, hiểu về mảnh đất và con người Phú Yên - nơi mình sinh sống và học tập; nhận thức được tính gắn kết của các sự kiện địa phương trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc; bồi đắp lý tưởng, bản lĩnh chính trị, nhân cách đạo đức; hun đúc trong các em niềm tự hào dân tộc, từ đó giúp các em thực hiện tốt trách nhiệm công dân, trách nhiệm với quê hương, đất nước; quảng bá, lan tỏa những giá trị, vẻ đẹp, bản sắc của quê hương ra bạn bè trong nước và quốc tế.
Đình Huy