Trong chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ hải quân và lực lượng phối thuộc của Quân khu 5 đã tận dụng yếu tố bí mật, hành động kiên quyết, tạo những mũi đột kích bất ngờ, phát huy hiệu quả chiến đấu, tiêu diệt địch nhanh gọn, lập công xuất sắc, góp phần xứng đáng làm nên thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.
Bộ đội đặc công hải quân Trung đoàn 126 giải phóng đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa ngày 28-4-1975.Ảnh tư liệu
Cựu chiến binh (CCB) Lê Minh Đức, nguyên chiến sĩ Phân đội 1, Đội 1, Trung đoàn 126 Hải quân (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) năm nay đã 70 tuổi. Với chất giọng ấm, CCB Lê Minh Đức nói với chúng tôi: “Dù say sóng, nhưng khi có mệnh lệnh chuẩn bị đánh đảo, tất cả bừng tỉnh. Tàu 673 tiến sát vào đảo Song Tử Tây, bộ đội đổ bộ trong biển đêm, mọi thứ thật sự rất khó khăn. Tất cả xuống xuồng bơi vào đảo rồi xả hơi cho xuồng bẹp xuống và vùi dưới cát để giấu. Các chiến sĩ ẩn mình xuống cát lạnh, bám đảo theo sơ đồ tác chiến mà chỉ huy đã phổ biến đến từng vị trí”.
Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4, khi nghe mệnh lệnh chiến đấu của chỉ huy, ngay lập tức, chiến sĩ Lê Minh Đức tăng cò nổ phát súng B41 đầu tiên. Sau tiếng súng làm hiệu lệnh hiệp đồng, các mũi đồng loạt tiến công vào các mục tiêu công sự của địch. Tiếng súng AK, tiếng lựu đạn vang lên bốn phía. Bị đánh bất ngờ, bọn địch trên đảo Song Tử Tây nhốn nháo, hoang mang và chống trả quân ta quyết liệt.
CCB Nguyễn Sỹ Niệm, nguyên chiến sĩ Phân đội 1, Đội 1, Trung đoàn 126 Hải quân, kể lại: Sau hơn 30 phút chiến đấu, quân địch chống trả quyết liệt, xả súng vào ta. Song các chiến sĩ đã vượt qua làn đạn của địch, kịp thời khống chế các ổ đề kháng của chúng. Binh lính địch hoảng loạn, mất sức chiến đấu. 6 tên địch bị tiêu diệt tại chỗ, số còn lại tháo chạy tán loạn. Thừa thắng, quân ta tiếp tục truy kích, gọi hàng và bắt sống 33 tên địch còn lại trên đảo, thu toàn bộ vũ khí.
Cùng hiệp đồng chiến đấu với đồng đội, CCB Lê Minh Đức kể lại: Khi đó, ở bến đảo phía Nam, một toán địch vừa bắn vừa chạy về phía hai chiếc xuồng máy định tẩu thoát. Đội trưởng Đội 1 Nguyễn Ngọc Quế (sau là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126) hô to: “Binh sĩ ngụy Sài Gòn, hàng thì sống, chống lại thì chết!”. Tên đảo trưởng Nguyễn Đức Sinh nhìn các chiến sĩ ta súng lăm lăm trong tay chạy tới, mặt mày chúng ủ rũ giơ tay lên trời. Phía sau hắn, đồng bọn cũng làm như vậy.
Ngày 14-4-1975, khi trời sáng tỏ, mặt trời lên cao cũng là lúc chúng ta hoàn toàn làm chủ đảo Song Tử Tây. Chiến sĩ của ta chạy tới cột cờ giật mạnh mảnh vải có 3 sọc xuống và kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhớ lại thời khắc đó, CCB Nguyễn Sỹ Niệm xúc động nói: “Khi chiến đấu, tôi cũng bị thương, đến nay mỗi khi thời tiết thay đổi, vết thương nhói lên đau nhức khó chịu. Nhưng cũng không đáng gì so với những đồng đội đã hy sinh. Trong trận chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây, Phân đội 1 của chúng tôi có 2 đồng đội đã ngã xuống. Người hy sinh ngay tại đảo là Hạ sĩ Tống Văn Quang, chiến sĩ của Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Đồng chí Quang hy sinh khi mới 22 tuổi, được chúng tôi chôn cất ngay tại đảo Song Tử Tây. Liệt sĩ thứ hai là Hạ sĩ Ngô Văn Quyền, Tiểu đội trưởng của Trung đoàn 126 Hải quân, quê ở Hải Phòng. Ngô Văn Quyền lao lên bắn trả và bị đạn găm vào bụng. Bị thương nặng, đồng chí Quyền được đưa xuống tàu chở về đất liền cùng tàu chở tù binh nhưng đã hy sinh sau 2 ngày, khi tàu còn lênh đênh trên biển”.
Ngay sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, ta đã rút kinh nghiệm và làm công tác chuẩn bị tiến hành giải phóng các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa. Theo lời kể của Chuẩn đô đốc, Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Viết Cường, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, người trực tiếp chỉ huy chiến đấu đánh đảo Sơn Ca trên Tàu 641: Thời điểm chuẩn bị đánh đảo Sơn Ca, nước chảy xiết, việc đổ bộ vô cùng khó khăn, sau nhiều đêm lòng vòng, quần thảo khu vực, đêm 25-4, Tàu 641 do đồng chí Trần Tú làm thuyền trưởng chở Phân đội 2 và Phân đội 4 thuộc Đội 1, Trung đoàn 126 Hải quân tiến vào cách đảo Sơn Ca 2 hải lý. Các chiến sĩ của ta nhanh chóng tiếp cận vào sát mép đảo. Phải hơn 2 giờ sau, trận đánh mới bắt đầu. Các cỡ súng của ta đồng loạt nổ mãnh liệt về phía các mục tiêu trên đảo. Bị đánh bất ngờ, bọn địch trên đảo hoang mang, chống cự yếu ớt rồi chạy vào công sự ẩn nấp. Lực lượng của ta khẩn trương truy kích và phát loa kêu gọi địch buông súng đầu hàng. Giữa biển cả mênh mông, bị tập kích bất ngờ, lại không có lực lượng chi viện, quân địch trên đảo đã rệu rã ra đầu hàng. Trận đánh kết thúc khi trời chưa sáng, ta đã làm chủ hoàn toàn đảo Sơn Ca.
Trong hồi ký của mình, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Mai Năng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126 Hải quân kể: Từ thông tin của Đại đội 7 trinh sát, Bộ Tham mưu Hải quân lúc đó cho biết bị mất đảo Sơn Ca, bọn ngụy trên các đảo: Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa tinh thần suy sụp, hoang mang tột độ và được lệnh rút ra tàu bảo vệ chạy khỏi đảo. Chớp thời cơ có lợi, Bộ tư lệnh Hải quân tiền phương lập tức chỉ thị cho tôi đang trên Tàu 673 ở Song Tử Tây: “Khẩn trương cho lực lượng đến giải phóng các đảo còn lại, quyết không để một lực lượng nào khác lợi dụng cơ hội để chiếm đảo”.
Tàu 673 nhổ neo rời Song Tử Tây tiến về Nam Yết. Một bộ phận nhanh chóng đổ bộ lên chiếm giữ đảo. Bộ phận còn lại trên tàu sẵn sàng chi viện nếu bọn địch chống trả. Thế nhưng điều kỳ lạ là không một tiếng súng nổ. Bọn địch bạc nhược đã rút chạy hết. Vũ khí, đồ quân dụng chúng vứt lại ngổn ngang. Ta nhanh chóng cắm cờ giải phóng, cử một bộ phận chốt giữ đảo. Lực lượng còn lại tiến về đảo Sinh Tồn. Cũng như ở Nam Yết, quân địch trên đảo Sinh Tồn đã hoang mang rút chạy nên lực lượng của ta đổ bộ chiếm giữ đảo không mất một viên đạn.
Thừa thắng xốc tới, những người lính hải quân tiếp tục tiến lên giải phóng đảo Trường Sa. 9 giờ ngày 29-4-1975, phân đội chiến đấu của Trung đoàn 126 Hải quân đã hoàn thành đổ bộ lên đảo Trường Sa. Cờ giải phóng tung bay trên hòn đảo lớn nhất, hòn đảo cuối cùng mà ngụy quân Sài Gòn đóng giữ ở quần đảo Trường Sa, sau đó lực lượng hải quân tiếp tục giải phóng các đảo: Cù Lao Thu, Côn Đảo và khu vực phía Tây Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa, bộ đội đặc công hải quân đã bàn giao 5 đảo cho lực lượng của Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 2, Quân khu 5 làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ theo chỉ đạo của cấp trên. Cuối tháng 5-1975, Tiểu đoàn 4 chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân.
Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một chiến công đặc biệt xuất sắc, có ý nghĩa chiến lược. Chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa cũng khẳng định ý thức tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh, tinh thần khắc phục khó khăn, biết nắm thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ, táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; đặc biệt là ý thức rất cao về chủ quyền, về trách nhiệm quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo của bộ đội hải quân và đơn vị phối thuộc, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của dân tộc.
QĐND