Trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy từ Trung ương tới địa phương nhằm nâng hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng quản lý nhà nước thì yêu cầu sửa đổi Hiến pháp là cực kỳ cấp bách.
Quang cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Chủ trương sửa đổi Hiến pháp nhằm tinh gọn bộ máy nhà nước đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong quá trình cải cách hành chính, mà còn là động lực quan trọng để tạo đột phá, phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức trong hệ thống chính trị.
Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu sửa đổi Điều lệ Đảng, quy định thi hành Điều lệ Đảng cũng liên quan việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện. Việc nghiên cứu không tổ chức cấp huyện là cần thiết trong hiện nay và phù hợp với xu thế của các nước phát triển cũng như xung quanh chúng ta. Đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân ủng hộ chủ trương này của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về quy trình sửa đổi Hiến pháp, cơ quan có thẩm quyền đề nghị sửa đổi Hiến pháp, Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết Điều 120 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận Phiên họp lần thứ sáu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp. Thành phần, số lượng thành viên, nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban dự thảo Hiến pháp do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ủy ban dự thảo Hiến pháp soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và trình Quốc hội dự thảo Hiến pháp. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định. Thời hạn công bố, thời điểm có hiệu lực của Hiến pháp do Quốc hội quyết định.
Luật sư Hà Huy Từ cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng vì Hiến pháp là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất. Mỗi câu, mỗi chữ của Hiến pháp ảnh hưởng sâu rộng đến thể chế, chính sách, đến "quốc kế, dân sinh," quyền con người, quyền công dân và những vấn đề trọng đại khác của quốc gia, của dân tộc.
Trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy từ Trung ương tới địa phương nhằm nâng hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng quản lý nhà nước thì yêu cầu sửa đổi Hiến pháp là cực kỳ cấp bách.
TTXVN/Vietnam+