Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy

Đồng Xuân: Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách tư pháp 2019

 
Năm 2018, các cấp, các ngành trong huyện Đồng Xuân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác tư pháp, qua đó tích cực triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp được tăng cường; các cơ quan tư pháp ngày càng phối hợp chặt chẽ hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp. Công tác phối hợp liên ngành trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao về chất lượng. Công tác điều tra phá án vượt chỉ tiêu đề ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm chú trọng và tích cực triển khai thực hiện. Tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn… Qua đó, đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tư pháp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.Năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách tư pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cải cách tư pháp. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp.
Thứ hai, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, không để xảy ra án oan sai, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ án bị hủy, sửa, án tuyên không rõ ràng, án quá hạn theo luật định. Tăng cường công tác phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thường xuyên đôn đốc và kịp thời cho ý kiến về đường lối xử lý các vụ án quan trọng, phức tạp theo quy định. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, không để xảy ra việc bắt, tạm giam, tạm giữ, điều tra, truy tố, xét xử oan người vô tội, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Thứ ba, thường xuyên chỉ đạo phối hợp chọn các vụ án điểm và tổ chức xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án nhằm giáo dục chung và nâng cao công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân. Tiếp tục đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự, tập trung giải quyết các bản án có điều kiện thi hành, không để tồn đọng, kéo dài. Đối với những trường hợp đương sự có điều kiện thi hành nhưng cố tình chây ỳ, chống đối thì cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành dứt điểm.
Thứ tư, tăng cường, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp để việc tuân thủ các quy định của pháp luật được nghiêm minh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp như điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên, thư ký. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng; tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng tổ chức đảng trong các cơ quan tư pháp đảm bảo trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới...

Ngọc Hơn