Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát huy thế mạnh của công tác tuyên truyền miệng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị 30-CT/TW, ngày 05/02/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII và Hướng dẫn số 155-HD/BTGTW, ngày 14/5/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền miệng tháng 02/2025, tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 - Ảnh: TTXVN
Thứ nhất, về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Tuyên truyền kết quả bước đầu trong thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18- NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Chú trọng tuyên truyền kịp thời, khách quan, minh bạch các phương án, đề án sắp xếp, các chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động, ảnh hưởng do thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị được sắp xếp, tinh gọn; không để xảy ra tình trạng phân biệt, mất đoàn kết. Biểu dương, cổ vũ những đơn vị, tập thể, cá nhân chấp hành nghiêm túc, tự nguyện thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Phản ánh sự nỗ lực, cố gắng, tinh thần gương mẫu, quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc của các cơ quan, đơn vị trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trên cơ sở bám sát định hướng của Trung ương và tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đồng thời nhấn mạnh, đây mới chỉ là bước khởi đầu, phía trước còn rất nhiều công việc phải làm và phức tạp hơn vì liên quan đến cơ chế vận hành, việc sắp xếp tinh gọn đội ngũ cán bộ. Quyết tâm đảm bảo vận hành bộ máy mới thông suốt sau sắp xếp trên tinh thần “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.
Tiếp tục tuyên truyền công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Phân tích, làm rõ các yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác chuẩn bị tổ chức và tiến hành đại hội; trọng tâm là công tác xây dựng văn kiện và nhân sự. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo: Kiên định và đổi mới; kế thừa và phát triển; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách; các văn kiện Đại hội cần khơi dậy được lòng tự hào, tin tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng, vào mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Bác Hồ kính yêu và toàn thể dân tộc ta đã lựa chọn.
Công tác nhân sự phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng. Những nhân sự được lựa chọn phải thật sự tiêu biểu, nổi trội, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ, có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng, để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược; phải có tính chiến đấu, tính kỷ luật cao, gắn bó mật thiết với Nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, xứng tầm lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Kiên quyết không đưa vào cấp ủy những người vi phạm kỷ luật, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa, biến chất.
Tuyên truyền kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) năm 2024; kết quả Phiên họp thứ 27 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (ngày 31/12/2024) và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Phiên họp.
Kết quả công tác năm 2024 được thể hiện trên một số mặt sau: (1) Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội và PCTNLPTC tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế để khơi thông nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả công tác PCTNLPTC. (2) Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ; xử lý kiên quyết, nghiêm minh các sai phạm, nhưng cũng rất nhân văn, chú trọng phân hóa trong xử lý đối tượng vi phạm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung. (3) Chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, tạo chuyển biến mới về nhận thức, quyết tâm, gắn phòng, chống lãng phí với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (4) Quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; nhất là công tác cán bộ, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. (5) Chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCTNLPTC ở địa phương, thực hiện đúng quan điểm PCTNLPTC phải từ cơ sở, chi bộ; xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNLPTC. (6) Công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNLPTC tiếp tục được đẩy mạnh; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân được phát huy tốt hơn.
Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tỉnh Phú Yên họp
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, đó là: (1) Khẩn trương hoàn thiện thể chế về phòng, chống lãng phí; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, tinh gọn; sửa đổi, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã được chỉ ra qua rà soát; xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. (2) Triển khai quyết liệt, toàn diện, tạo chuyển biến mới, đột phá trong công tác phòng, chống lãng phí cả ở Trung ương và địa phương. Khẩn trương chỉ đạo hoàn thành việc rà soát và có giải pháp giải quyết dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn. (3) Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nhất là, các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp. (4) Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát quyền lực, nâng cao hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là trong công tác cán bộ, thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và quản lý, sử dụng tài sản của các cơ quan, tổ chức sau sắp xếp, tinh gọn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, công khai, minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập, thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. (5) Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; tiếp tục hoàn thiện cơ chế để Nhân dân giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân trực tiếp phản ánh, tố giác tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Phiên họp 27: (1) Nghiên cứu, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ đến nay để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nội dung này trong dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng. (2) Triển khai quyết liệt, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội; nghiêm cấm việc lợi dụng phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để sách nhiễu, trục lợi; năm 2025, xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên phải làm ngay. (3) Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phát triển kinh tế - xã hội và sắp xếp tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; tuyệt đối không được có các hành vi chạy chọt, lợi ích nhóm; lợi dụng, sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế để tham nhũng, gây lãng phí, tiêu cực; khẩn trương hoàn thiện thể chế liên quan đến tổ chức bộ máy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, không để phát sinh lãng phí, tiêu cực mới. (4) Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hơn nữa các giải pháp phòng ngừa để ngăn chặn từ gốc, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện có hiệu quả các quy định và kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, kê khai tài sản, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đưa công tác PCTNLPTC thấm vào từng chi bộ, từng đảng viên. (5) Kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; hình thành trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân ý thức trách nhiệm với công việc, quý trọng thời gian làm việc, tiền bạc, tài sản Nhà nước, công sức của Nhân dân; xử lý dứt điểm căn bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trong công việc; đặc biệt là phải ứng dụng ngay kết quả chuyển đổi số và khoa học công nghệ. Tăng cường vai trò giám sát của Nhân dân đối với công tác PCTNLPTC, phải xây dựng được thế trận lòng dân vững chắc để thực hiện thành công, hiệu quả công cuộc đấu tranh PCTNLPTC.
Tuyên truyền kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2025) theo Hướng dẫn số 153-HD/BTGTU, ngày 09/12/2014 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về 07 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; các bài viết như: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”; “Phát huy tính Đảng trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; “Rạng rỡ Việt Nam”...
Tiếp tục tuyên truyền Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực; công tác đổi mới tư duy, phương thức lập pháp tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn tạo không gian cho phát triển của Quốc hội...
Thứ hai, về tình hình, kết quả và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: Tuyên truyền, lan tỏa những thông điệp, định hướng lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những nhiệm vụ, giải pháp năm 2025, trọng tâm là phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai công tác năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương (ngày 8/1/2025); nội dung trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp đón năm mới 2025; bài viết “Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc” của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội tại hội nghị tổng kết của các ngành, đơn vị, gặp mặt các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, văn nghệ sĩ, trí thức, nhà khoa học; tại các sự kiện chính trị quan trọng nhân dịp đầu xuân Ất Tỵ 2025.
Tuyên truyền các nội dung cơ bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 08/01/2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Nhấn mạnh tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá” với 05 quan điểm, 12 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW: Khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phân tích, làm rõ các quan điểm chỉ đạo, những nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong Nghị quyết số 57-NQ/TW; 07 nhiệm vụ triển khai Nghị quyết trong Chương trình hành động của Chính phủ và 08 nhiệm vụ, giải pháp Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết (ngày 13/01/2025); khẳng định Nghị quyết số 57-NQ/TW ra đời đáp ứng yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Đây là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động” với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong kỷ nguyên mới. Theo dõi và phản ánh quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và chương trình hành động của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương.
Hội nghị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) tại điểm cầu Phú Yên
Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 theo định hướng tại Hướng dẫn số 155-HD/BTGTU, ngày 08/01/2025 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; góp phần thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc về thời cơ, thách thức và trách nhiệm lịch sử to lớn trước bối cảnh tình hình đất nước trước thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới của đất nước - từ Đại hội XIV của Đảng, cũng là thời kỳ chuẩn bị quan trọng, nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước trước bối cảnh thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại - giai đoạn quan trọng nhằm xác lập trật tự thế giới mới; tạo niềm tin, niềm tự hào, lan tỏa tinh thần mới, khí thế mới cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định thành tựu đổi mới và kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã góp phần tạo ra thế và lực của đất nước tiếp tục vững bước phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo; cổ vũ ý chí quyết tâm, khắc phục khó khăn, tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, phát huy nội lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Thứ ba, về các hoạt động đối ngoại, ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước: Tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa những thành tựu nổi bật của ngành ngoại giao và các hoạt động đối ngoại năm 2024, những định hướng lớn của công tác đối ngoại năm 2025. Nhấn mạnh, nhiệm vụ bao trùm đối với công tác đối ngoại và ngoại giao trong năm 2025 là phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong, trọng yếu, thường xuyên trong việc tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đi đôi với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài, nhất là các nguồn lực có tính đột phá, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Tuyên truyền các hoạt động đối ngoại quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, như: Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/01/1950-18/01/2025); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam thăm Lào và đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào (từ ngày 09-10/01/2025); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc, tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 WEF tại Davos, Thụy Sĩ và làm việc song phương tại Thụy Sĩ (từ ngày 15-23/01/2025); Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Mikhail Vladimirovich Mishustin thăm chính thức Việt Nam (từ ngày 14-15/01/2025); sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững - an ninh lương thực và ứng phó với biển đổi khí hậu (từ ngày 21-24/01/2025);...
Trong công tác tuyên truyền cần khẳng định quan điểm nhất quán: Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Sát cánh cùng cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ đóng góp hơn nữa cho hòa bình, hợp tác, phát triển và giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu, góp phần xây dựng một trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, phục vụ cho lợi ích chung của nhân loại.
Tuyên truyền, nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người tại Việt Nam nói riêng và sự chủ động, tiên phong trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới nói chung, với điểm sáng là dấu ấn Việt Nam trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, tạo tiền đề thuận lợi cho công tác vận động tái ứng cử và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 - 2028.
Tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền về quan điểm, lập trường về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và những đóng góp của Việt Nam để xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế; bảo tồn, khai thác, phát triển kinh tế biển bền vững, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Thứ tư, một số nội dung quan trọng khác: Tuyên truyền các hoạt động mừng Xuân Ất Tỵ 2025 gắn với tôn vinh những giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của đất nước và con người Việt Nam, các phong tục, tập quán tốt đẹp mỗi khi Tết đến Xuân về. Tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tệ nạn, cờ bạc, mê tín dị đoan và các biểu hiện thương mại hóa trong hoạt động lễ hội diễn ra trước, trong và sau Tết.
Liên quan việc thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm trong giấy phép lái xe; tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa sâu sắc của việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện Nghị định là từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn; với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người tham gia giao thông; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông; xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn, lành mạnh, văn minh.
Tuyên truyền làm nổi bật những chuyển biến tích cực, thiết thực, rõ nét từ khi tổ chức thực hiện Nghị định đến nay. Chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, những thông tin sai sự thật, lợi dụng quá trình tổ chức thực hiện Nghị định để bình luận tiêu cực, kích động chống đối pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước.
Thời gian gần đây và sắp tới, các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền miệng phải tăng cường quán triệt, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo; góp phần vào việc thống nhất nhận thức, từng bước đưa việc giải quyết các vấn đề đối với hiện tượng tôn giáo mới đạt hiệu quả. Giải quyết các vấn đề của tín ngưỡng, tôn giáo mới trên tinh thần khách quan, khoa học, đúng pháp luật, tôn trọng và bảo đảm nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện kịp thời, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa, xử lý nghiêm minh.
Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho ngành Y tế - Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2025). Tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của ngành Y tế trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng; các chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Tiếp tục tuyên truyền công tác tuyển chọn, giao quân năm 2025, góp phần nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Hoàng Thành