Chính trị

Đảng, Bác Hồ và kỷ nguyên mới của dân tộc

Năm 2025 là năm nước ta tổ chức nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng CSVN (1930-2025), 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025)... Năm 2025 sẽ là cột mốc lịch sử đáng nhớ của dân tộc Việt Nam, là năm nước ta chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng sẽ diễn ra vào năm 2026, đưa cả nước bức phá, vươn lên. Nhìn lại lịch sử nước nhà, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, dân tộc ta đã chứng kiến kỷ nguyên mới đã để lại dấu ấn và những thành tựu hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỷ nguyên Độc lập mang Quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với mục tiêu “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, được Quốc hội đầu tiên xác lập trong bản Hiến pháp đầu tiên vào năm 1946, một văn kiện lập hiến đạt trình độ tiên tiến trong lịch sử đương đại của thế giới. Đó là một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đầu tiên của dân tộc trong lịch sử đương đại mang giá trị cốt lõi của quốc gia. Năm nay, Việt Nam sẽ kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9 (02/9/2945-02/9/2025). 80 năm qua, dù tên gọi có thay đổi (Dân chủ cộng hòa, Xã hội chủ nghĩa), nhưng mục tiêu cuối cùng, mục tiêu bất di bất dịch vẫn là “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”.

Kỷ nguyên ấy mở ra với biết bao xương máu của nhiều thế hệ để Việt Nam độc lập, thống nhất, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chủ nghĩa thực dân cũ, rồi mới, rồi chiến tranh lạnh...đã cản trở khát vọng của dân tộc, buộc dân tộc Việt Nam phải cầm súng bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước nhà. Nhân dân ta đã phải đương đầu lần lượt với hai đế quốc hùng mạnh suốt 30 năm (1945-1975). Giành được mục tiêu thống nhất đất nước, chưa tận hưởng không khí hòa bình được bao lâu thì tiếng súng lại nổ vang ở hai đầu biên cương của Tổ quốc, ngoài biển Đông máu thịt. Nhân dân ta lại vừa cầm súng, vừa phải thắt lưng buộc bụng vì cấm vận để phục hồi, phát triển kinh tế sau ba thập kỷ chiến tranh triền miên. Những tác động từ bên ngoài như sự sụp đổ của các quốc gia từng là thành trì các nước xã hội chủ nghĩa càng làm cho Nhân dân Việt Nam thấm thía hơn, nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị của độc lập, tự do và tự chủ. Đồng thời, bắt buộc Việt Nam phải thay đổi để tiếp tục đi tiếp con đường trong kỷ nguyên mới.

Công cuộc đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy từ năm 1986 như một luồng gió mới, một luồng năng lượng mới giúp Việt Nam từ tập dượt, phá rào, cải cách đến đổi mới thành công trên nhiều lĩnh vực. Chưa hết một thập kỷ, đến năm 1995, Việt Nam đã rút quân khỏi Cam Pu Chia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam dần thoát khỏi vòng vây cấm vận khi tiếp tục bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Năm nay, Việt Nam sẽ kỷ niệm 30 năm sự kiện quan trọng này.

Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã tự chủ trong lựa chọn con đường hội nhập với thế giới, phát triển theo qui luật khách quan, kinh tế thị trường đã giương cao ngọn cờ dân tộc để hội nhập với thế giới một cách có trách nhiệm, góp phần tạo ra môi trường hòa bình và hợp tác với khu vực lẫn thế giới. Dù vẫn còn những trở ngại trên con đường hội nhập ấy, nhưng bạn bè khắp thế giới đều công nhận Việt Nam từ một quốc gia nửa thuộc địa, nửa phong kiến đã nhanh chóng trở thành một quốc gia độc lập với những thay đổi vô cùng lớn lao, có tiềm lực, vị thế, cơ đồ đầy tự tin như hôm nay.

Chính những nguyên lý trong kỷ nguyên mới do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, đã giúp dân tộc Việt Nam đã lựa chọn được mô hình cho sự phát triển, tránh những khủng hoảng, để nhanh chóng phát triển một cách bền vững từ kinh tế, xã hội, đến văn hóa, đối ngoại theo đúng nguyên lý mà Bác Hồ đã vận dụng như một cẩm nang “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Sau dịch bệnh covid-19 là những tác động mang tính toàn cầu của công nghệ, sau ChatGPT rồi đến sự xuất hiện mới đây của DeepSeek (xem thêm chú thích bên dưới), tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội, an toàn, an ninh...Nhưng Việt Nam vẫn nhận thức, vấn đề trung tâm của mọi thời đại vẫn là con người và hệ sinh thái về văn hóa mà tổ tiên đã để lại, điều làm nên sự khác biệt và thương hiệu của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính từ nhu cầu thực tiễn, thậm chí là sự sống còn của chế độ, Việt Nam đã tập trung vào yếu tố con người, mà trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên, lực lượng tiên phong trong mọi nhiệm vụ chính trị. Đó chính là nguồn lực mạnh nhất cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, Việt Nam đã có một chương trình cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh giản, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả từ 2021 kéo dài đến 2030. Và lần này, là tiến hành quyết liệt theo Nghị quyết Số 18 –NQ/TW ngày 16/6/2022 của TW. Cả thế giới đang nhìn nhận Việt Nam rất quyết liệt, từ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tìm ra những điểm nghẽn trên hành trình phát triển, đến tinh gọn bộ máy, đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng...

Bứt phá trên mảnh đất của mình, vươn vào kỷ nguyên mới

Nhìn lại lịch sử, dù 80 năm đã trôi qua, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, thì những nguyên lý cơ bản cho sự phát triển của đất nước, dân tộc vẫn vẹn nguyên giá trị của Người đã khai sinh ra kỷ nguyên mới – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là nguyên lý về bộ máy quản lý đất nước, công cụ để giám sát bộ máy ấy, là tư tưởng về Nhà nước của dân, do dân và vì dân...Và hôm nay, đất nước ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một lời hiệu triệu, một niềm khích lệ tinh thần, một mệnh lệnh để dân tộc Việt Nam vững niềm tin, hy vọng vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đã khởi đầu từ 80 năm trước và đang hướng dần về mục tiêu 100 năm thành lập Nước Việt Nam vào năm 2045 (1945-2045).

TTH

------------------------------

Chú thích: DeepSeek là một công ty khởi nghiệp AI (trí tuệ nhân tạo) của Trung Quốc, được thành lập vào cuối năm 2023 bởi Liang Wenfeng, một nhà quản lý quỹ phòng hộ. Dù chỉ mới ra đời hơn một năm, công ty này đã cho ra mắt nhiều mô hình AI tiên tiến, trong đó nổi bật nhất là DeepSeek R1 và DeepSeek R1 Zero. Điểm đặc biệt của DeepSeek R1 là khả năng cạnh tranh với các mô hình hàng đầu như GPT-4 của OpenAI hay Gemini của Google, nhưng chi phí phát triển chỉ dừng ở mức 5,6 triệu USD – thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ phương Tây. DeepSeek còn gây chú ý khi sử dụng các chip AI công suất thấp để phát triển mô hình, bất chấp việc Mỹ hạn chế nguồn cung cấp công nghệ cao cấp cho Trung Quốc.