Chính trị

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ IV, năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26-27/9

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ IV, năm 2024 (gọi tắt là Đại hội), với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” sẽ diễn ra trong 1,5 ngày, từ sáng ngày 26/9/2024 đến trưa ngày 27/9/2024.

Đồng chí la Văn Nghĩa, Phó Ban Dân tộc tỉnh cung cấp thông tin cho báo chí về Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên lần thứ IV.

Đó là thông tin được đồng chí La Văn Nghĩa, Phó Ban Dân tộc tỉnh chia sẻ tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 9 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin  Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức vào chiều ngày 06/9.

Theo thông tin do đồng chí Phó Ban Dân tộc tỉnh cung cấp, Đại hội là sự kiện chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số của tỉnh; nhằm tổng kết, đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 và định hướng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029; tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đại hội là biểu tượng của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là diễn đàn giao lưu, trao đổi, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, là dịp để tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập phát triển và bảo vệ đất nước giai đoạn từ 2019-2024.

Tham dự Đại hội lần này có 332 đại biểu, trong đó đại biểu chính thức 249 người đại biểu khách mời là 83 người. Trong đó, đại biểu chính thức có sựđại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số cư trú ở địa phương thuộc các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, khoa học - công nghệ, thương mại, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, tôn giáo, an ninh, quốc phòng... và đảm bảo hài hòa về cơ cấu theo giới tính, thành phần dân tộc, cụ thể: Cơ cấu theo giới tính: đại biểu nam 164 người, chiếm tỷ lệ 65,9 %; đại biểu nữ 85 người, chiếm tỷ lệ 34,1%; cơ cấu theo thành phần dân tộc: gồm 12 dân tộc thiểu số, cụ thể: dân tộc Ê đê 75 đại biểu, chiếm  tỷ lệ 30,1%; dân tộc Chăm 65 đại biểu, chiếm tỷ lệ 26,1%; dân tộc Ba na 46 đại biểu, chiếm tỷ lệ 18,5%; dân tộc Tày 24 đại biểu, chiếm tỷ lệ 9,7%; dân tộc Nùng 14 đại biểu, chiếm tỷ lệ 5,6%; dân tộc Mường 09 đại biểu, chiếm tỷ lệ 3,6%; dân tộc Thái 06 đại biểu, chiếm tỷ lệ 2,4%; dân tộc Gia-rai05 đại biểu, chiếm tỷ lệ 2,0%; dân tộc Hoa 02 đại biểu, chiếm tỷ lệ 0,8%; dân tộc Cơ-tu 01 đại biểu, chiếm tỷ lệ 0,4%; dân tộc Sán Dìu 01 đại biểu, chiếm tỷ lệ 0,4%; dân tộc H Mông 01 đại biểu, chiếm tỷ lệ 0,4%.

Cộng đồng dân tộc thiểu số là một phần thiết yếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc (Hình sưu tầm. Nguồn Internet)

Được biết, đại biểu lớn tuổi nhất tham dự Đại hội là ông Y Điêng Kpă Hôp, sinh năm 1928 (96 tuổi), người dân tộc Ê Đê, nghệ nhân ưu tú, đang sinh sống tại Thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh; đại biểu nhỏ tuổi nhất sinh năm 1999 (25 tuổi), có 03 người, gồm: Lê Mô Y Thiên, dân tộc Ê Đê, Trung đội trưởng BB Tiểu đoàn BB85, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, La O Thị Yến, dân tộc Ba Na, Phó Bí thư Xã đoàn Xuân Lãnh, Huyện Đồng Xuân; Siu H’Thảo, dân tộc Gia-rai, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Chí Thạnh, Huyện Tuy An.

(NH)