Trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước (1997-2006), Chủ tịch nước Trần Đức Lương góp phần thiết lập, củng cố các mối quan hệ đối ngoại chiến lược, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào khu vực, thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì Lễ đón Tổng thống Pháp Jacques Chirac thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5), từ ngày 6 - 8/10/2004. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Trang Thông tin điện tử Tỉnh uỷ Phú Yên trân trọng giới thiệu bài viết: "Chủ tịch nước Trần Đức Lương và dấu ấn trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước" của Tiến sỹ Đào Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần cống hiến, tận tụy với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Sinh năm 1937 tại Quảng Ngãi, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước, và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1959.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Đức Lương đã kinh qua nhiều cương vị công tác quan trọng, từ công tác địa chất, giảng dạy, nghiên cứu khoa học đến các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Đặc biệt, với vai trò là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng và sau này là Chủ tịch nước (từ năm 1997 đến 2006), đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới sau chiến tranh.
Đồng chí là người lãnh đạo mẫu mực, giản dị, gần dân, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong số nhiều đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Đức Lương, dấu ấn nổi bật nhất có lẽ là vai trò của đồng chí trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước (1997-2006), đồng chí đã thay mặt Nhà nước ta thực hiện nhiều chuyến thăm cấp cao tới các quốc gia lớn, chủ trì đón tiếp nguyên thủ các nước, góp phần thiết lập và củng cố các mối quan hệ đối ngoại chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới.
Đại hội VIII của Đảng (năm 1996) đề ra chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Trần Đức Lương đã cùng tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước chỉ đạo triển khai nhiều định hướng lớn nhằm cụ thể hóa chủ trương này. Đồng chí đã có những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy đàm phán song phương và đa phương, đặt nền móng quan trọng cho việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đồng chí đã trực tiếp theo sát và chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng lập trường đàm phán phù hợp với lợi ích của đất nước, giải quyết linh hoạt những vấn đề còn vướng mắc với các đối tác chủ chốt, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nước đang phát triển và một số thành viên có tiếng nói trong WTO. Nhờ đó, tiến trình chuẩn bị thể chế, luật pháp và năng lực hội nhập đã được đẩy mạnh, góp phần quyết định vào việc hoàn tất các bước đàm phán quan trọng, mở đường cho việc Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào năm 2007.
Đồng chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước lớn, tiêu biểu là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton vào tháng 11 năm 2000. Đây là chuyến thăm mang tính bước ngoặt trong quan hệ hai nước, mở đường cho việc ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ, tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam từng bước hội nhập với thị trường toàn cầu.
Đồng chí cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và dẫn dắt Việt Nam đăng cai Hội nghị APEC 2006 - một bước đi quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trong đối ngoại của Việt Nam.
Với uy tín lớn trong Đảng và nhân dân, đồng chí đã góp phần làm sâu sắc hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ, thể hiện hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới, năng động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đồng thời đặt nền móng cho tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của đất nước trong những giai đoạn tiếp theo.
TTXVN/Vietnam+